Theo Cục Y tế dự phòng, người dân cần thiết phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Ngoài ra, tổ chức thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn xác động vật tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

 

Người dân cần thiết phải thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường sau mưa lớn, lũ lụt,
 đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó để phòng chống dịch bệnh.
 (Ảnh minh họa. Ảnh: Thu Hiền)

Ngành Y tế sẽ giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa bão như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm; đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn…

Tuy nhiên, người dân cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương.

Nhằm phòng tránh các dịch, bệnh nguy hiểm sau mùa mưa lũ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân: Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Cùng với đó, thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

Khuyến cáo tổ chức bữa ăn cho người dân vùng bão, lũ

Liên quan đến vấn thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã đưa ra khuyến cáo trong việc tổ chức bữa ăn cho người dân vùng bão, lũ bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, giúp người dân có sức khỏe, nhanh chóng ổn định cuộc sống, phòng tránh được một số bệnh tật có thể mắc phải.

Cục An toàn thực phẩm cho rằng việc có đủ thực phẩm để ăn no, đủ năng lượng trong các vùng lũ lụt là điều rất khó khăn. Vì vậy, người dân có thể sử dụng nhiều loại thực phẩm trong nhóm lương thực và các sản phẩm chế biến như: mì tôm, bánh đa khô...

Người dân nên ăn đủ dinh dưỡng với đại diện của 4 nhóm thực phẩm như: Nhóm lương thực gồm: gạo, mì, ngô, khoai, sắn, mì tôm, bánh đa khô, bánh mì, khoai, củ các loại; Nhóm chất đạm với thịt, trứng, cá, tôm, cua, trai, ốc, đậu đỗ, vừng lạc... Bà con có thể tận dụng các thực phẩm từ nguồn ao, hồ, sông, đồng ngập nước (cá, tôm, lươn, ốc, ếch...); Nhóm chất béo như dầu, mỡ. Ngoài ra người dân có thể dùng đậu phụ, sữa đậu nành, vừng, lạc là những thức ăn giàu chất béo; Nhóm vitamin và chất khoáng như: rau xanh, quả chín là nguồn cung cấp chủ yếu vitamin và chất khoáng trong bữa ăn. Các loại rau gia vị có nhiều vi khoáng, kháng sinh thực vật, nhiều loại tinh dầu thơm có tác dụng kích thích ăn ngon miệng, làm tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, bữa sáng, bữa trưa coi là bữa chính, bữa tối không nên ăn quá no và quá muộn. Thức ăn phải an toàn, không bị nhiễm hóa chất độc, không bị nhiễm giun hay nhiễm khuẩn, không được là nguồn gây bệnh. Ăn uống mất vệ sinh sẽ sinh bệnh, nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả khi thiếu thốn, khó khăn cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinh.

Được biết, trước tình hình mưa lũ phức tạp tại các tỉnh miền Trung, ngày 16/10, Bộ Y tế đã có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Trung bộ triển khai công tác y tế khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Cũng trong ngày 16/10, Bộ Y tế đã có công văn gửi Công ty Cổ phần Y tế Danameco, Công ty Cổ phần Dược Trung ương 3 và Công ty Cổ phần Thiết bị y tế Medinsco yêu cầu các công ty này hỗ trợ Sở Y tế Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Thanh Hóa mỗi tỉnh 200 phao tròn cứu sinh, 2 phao bè cứu sinh, 50 cơ số thuốc phòng chống lụt bão, 100.000 viên khử khuẩn CloraminB, 125 áo phao cứu sinh; riêng Sở Y tế tỉnh Quảng Bình được hỗ trợ thêm hai nhà bạt 16m2./.

Đỗ Thoa