Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh là nguyên nhân khiến môi trường bị ảnh hưởng nặng nề 
(Ảnh: BL)

 Bảo vệ môi trường chưa được chú trọng

Theo báo cáo môi trường quốc gia năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), ước tính trung bình khoảng 80% lượng nước cấp cho sinh hoạt trở thành nước thải sinh hoạt. Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là 2 vùng tập trung nhiều lượng nước thải sinh hoạt nhất cả nước.

Theo thống kê, trong tổng số 787 đô thị trên cả nước có 40 đô thị có công trình xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định. Trong đó, các công trình này chủ yếu ở đô thị loại đặc biệt (2/2), đô thị loại I (8/15), đô thị loại II (10/25), đô thị loại III (7/42) và đô thị loại V (13/628) với tổng công suất xử lý khoảng 800.000m3/ngày đêm.

Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý mới đạt 10 - 11% trên tổng số lượng nước thải đô thị, tăng khoảng 4% - 5% so với năm 2010. Điển hình một số nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt có công suất lớn đã đi vào hoạt động như nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (Tp. Hồ Chí Minh) với công suất 141.000 m3 /ngày đêm, nhà máy xử lý nước thải tại Yên Sở (Tp. Hà Nội) với công suất 200.000m3 /ngày đêm. Thực tế cho thấy, dù số lượng công trình xử lý nước thải đô thị có tăng qua các năm, tuy nhiên, con số này còn rất nhỏ so với yêu cầu thực tế cần xử lý. Nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý vẫn đang tiếp tục là nguồn thải lớn, gây ô nhiễm môi trường khu vực đô thị và các vùng lân cận.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các đô thị chiếm 2/3 tổng nhu cầu năng lượng và phát thải lượng khí thải cacbon (có nguồn gốc từ giao thông, công nghiệp, các hoạt động xây dựng và công trình). Đô thị hoá nhanh đã gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên, gây mất cân bằng sinh thái.

Đặc biệt, tại nhiều vùng đô thị hóa nhanh, những vành đai xanh bảo vệ môi trường không được quy hoạch và bảo vệ. Chỉ tiêu đất để trồng cây xanh trong các đô thị quá thấp, mới đạt khoảng 2m2 /người. Nhìn chung, hệ thống cây xanh mới chỉ hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình.

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, con số này chỉ đạt khoảng 2m2 /người, không đạt quy chuẩn và chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới. Thực trạng đô thị hóa thời gian qua, bên cạnh những điểm tích cực, vẫn còn nhiều bất cập như: chất lượng các đô thị chưa tương xứng với loại đô thị; kết nối hạ tầng giữa các khu đô thị chưa được quan tâm đầy đủ, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội triển khai chậm, thiếu đồng bộ; đầu tư phát triển đô thị còn theo phong trào, dàn trải, gây lãng phí tài nguyên đất đai và nguồn lực xã hội; công tác quản lý đô thị chưa theo kịp thực tiễn phát triển, thiếu các công cụ quản lý phát triển đô thị (thiếu quy hoạch phân khu, quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật BVMT, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc).

Bên cạnh đó, một số đô thị, đặc biệt các đô thị ven biển đã bị ngập úng vào mùa mưa, triều cường. Ngoài Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Huế ngập úng thường xuyên về mùa mưa, còn một số đô thị khác bị ngập do triều cường, mưa lớn, lũ quét, như: Cần Thơ, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Cà Mau, Hà Tĩnh…

Phải coi bảo vệ môi trường phải vừa là mục tiêu, vừa là nội dung của quá trình phát triển bền vững

Theo Bộ TN&MT, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm như hiện nay là do các vấn đề môi trường chưa được đề cập đầy đủ, chưa được quan tâm đúng mức trong quy hoạch xây dựng đô thị. Tình trạng xây dựng lộn xộn tại các đô thị lớn là một vấn đề bức xúc đòi hỏi những biện pháp quản lý cấp bách và hiệu quả, nếu không cái giá phải trả cho việc giải quyết hậu quả môi trường sẽ là vô cùng lớn. Điều đáng nói là, sự dễ dãi và yếu kém trong quy hoạch cùng tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt đã dẫn tới tình trạng sử dụng đất tùy tiện, lãng phí.

Theo dự báo, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vào năm 2020 sẽ đạt khoảng 40%, số dân cư sinh sống tại đô thị khoảng hơn 45 triệu. Với tốc độ phát triển và dân số đô thị như vậy, Việt Nam sẽ phải đối mặt ngày càng nhiều với những vấn đề phức tạp phát sinh từ quá trình đô thị hóa, đặc biệt là vấn đề môi trường.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, cần phải rà soát quy hoạch trong xây dựng các khu xử lý, chôn lấp rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, chất thải nguy hại đáp ứng nhu cầu theo quy mô phát sinh các loại chất thải này tại các địa phương, các khu vực kinh tế trọng điểm, nơi có các dự án lớn. Kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động phát sinh, thu gom, vận chuyển, xử lý, thải bỏ, chôn lấp các loại chất thải, nhất là chất thải nguy hại. Đầu tư và có các chính sách thu hút đầu tư của khối tư nhân, các nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động xử lý chất thải, cung cấp các dịch vụ bảo vệ môi trường; phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ bảo vệ môi trường.

Theo nghiên cứu của Bộ Khoa học và Công nghệ, các đô thị Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Việt Trì, Ninh Binh, Quy Nhơn, Nha Trang, Biên Hòa... là những tụ điểm phát thải các chất độc hại. Riêng Hà Nội, mỗi năm thải vào môi trường nước khoảng 3.600 tấn chất hữu cơ, 320 tấn dầu mỡ, hàng chục tấn kim loại nặng...Song song với quá trình đô thị hóa, chúng ta đang phải chịu những áp lực về thay đổi cấu trúc và mô hình phát triển do sự cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường ngày càng lộ rõ. Do đó, các mối quan tâm về môi trường cần được lồng ghép ngay từ quá trình ra các quyết định về phát triến kinh tế và xã hội.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ TN&MT cũng đã yêu cầu, tất cả các dự án đầu tư phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, được Bộ hoặc Sở TN&MT thẩm định trước khi được phê duyệt. Đồng thời, tăng cường việc kiểm soát ô nhiễm tại nguồn; chú trọng quản lý chất thải, nhất là các chất thải trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ y tế.

Khắc phục các khu vực môi trường đã bị ô nhiễm, suy thoái; nâng cao khả năng và nguồn lực điều tra nắm chắc các nguồn tài nguyên để có kế hoạch bảo vệ, khai thác hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học. Nói cách khác, bảo vệ môi trường phải vừa là mục tiêu, vừa là nội dung của quá trình phát triển bền vững./.

BL