Lễ phát kính cho học sinh trong khuôn khổ dự án diễn ra ngày 12/10 (Ảnh do USAID cung cấp)

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án “Nhân rộng mô hình chăm sóc mắt học đường của Helen Keller International (HKI) tại thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì và Phúc Thọ, Hà Nội” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và tổ chức HKI Việt Nam thực hiện từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2016. Trong khuôn khổ dự án, dự kiến có khoảng 1.200 em học sinh và giáo viên bị tật khúc xạ cần đeo kính sẽ được cấp kính mắt chất lượng cao.

Ngoài việc cải thiện thị lực cho học sinh thông qua khám sàng lọc thị lực cho hơn 11.000 học sinh 18 trường tiểu học, trung học cơ sở và Trung tâm Phục hồi Chức năng Trẻ khuyết tật, dự án đã và đang đào tạo cho cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa, trung tâm y tế huyện/thị xã về chuyên khoa định hướng mắt, điều dưỡng mắt, đo khúc xạ, mài lắp kính và khám sàng lọc mắt trẻ em đồng thời cung cấp trang thiết bị cần thiết để nâng cao năng lực khám và điều trị tật khúc xạ và sức khỏe mắt cho các em học sinh và cộng đồng tại địa phương nói chung.

Tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của USAID, dự án sẽ khắc phục thiếu hụt hiện nay trong hệ thống chăm sóc mắt tại các huyện phía Tây thành phố Hà Nội đồng thời phát triển hệ thống chăm sóc mắt trẻ em toàn diện và bền vững làm cơ sở cho các Sở Y tế và Sở Giáo dục – Đào tạo có thể áp dụng và nhân rộng trên toàn quốc.

Đồng hành với USAID, HKI còn huy động nguồn tài trợ từ các tổ chức, quỹ, cá nhân khác cho các hoạt động dự án. Tật khúc xạ (cận thị, viễn thị và loạn thị) chưa được chỉnh kính là một nguyên nhân quan trọng của sự suy giảm thị lực, mù lòa và khuyết tật có thể phòng tránh được, đặc biệt là ở những nước đang phát triển. Theo ước tính của Bệnh viện Mắt Trung ương, có khoảng 3 triệu trẻ em Việt Nam mắc tật khúc xạ nhưng đại đa số vẫn chưa được chẩn đoán và được điều trị thích hợp. Nếu không được điều trị, tật khúc xạ có thể dẫn đến mù lòa và mất thị lực vĩnh viễn, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Dự án trên nằm trong khuôn khổ mô hình ChildSight do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ. Lần đầu tiên được thí điểm tại Kon Tum, mô hình ChildSight của HKI đã thành công trong cung cấp dịch vụ cho trên 120.000 học sinh và giáo viên. Dự kiến trong năm 2016, sẽ có khoảng gần 40.000 học sinh và giáo viên sẽ được thụ hưởng chương trình trong năm học 2016 – 2017 tại Hà Nội, Nam Định và Cần Thơ./.

 

Kiều Giang