Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: VA)
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chúc mừng và biểu dương những thành tích đáng tự hào của các thế hệ cán bộ, giảng viên và học viên, sinh viên của Khoa Luật – ĐHQGHN suốt 40 năm xây dựng và phát triển.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay và trong bối cảnh tăng cường hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới thì đào tạo luật đang là một nhu cầu, đòi hỏi cấp bách của thực tiễn đời sống xã hội. Đây là thời cơ nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, những đòi hỏi cao đối với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực pháp luật mà hiện tại đang còn nhiều bất cập, đòi hỏi chúng ta phải đào tạo được đội ngũ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ luật vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, đủ đức, đủ tài và có bản lĩnh, sẵn sàng tiếp cận và xử lý những vấn đề về chính trị, pháp lý đặt ra trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, đào tạo, Khoa Luật đang còn nhiều việc phải làm, phía trước đang còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tới đây, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Khoa Luật đứng trước thời điểm quan trọng để phát triển thành Trường Đại học Luật thành viên của ĐHQGHN, một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực theo định hướng đại học nghiên cứu với chất lượng cao ngang tầm các đại học tiên tiến trong khu vực, tiếp cận trình độ thế giới, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Để thực hiện được mục tiêu này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Khoa Luật cần bám sát và thực hiện tốt Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đề ra các kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để tạo sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả đào tạo; xây dựng phương pháp giáo dục mới, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; xác định rõ quy mô đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội; tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của sinh viên.
Đặc biệt là cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của sinh viên, phải xác định sinh viên là chủ thể trung tâm của quá trình đào tạo; cần chú trọng, bồi dương cho sinh viên năng lực phân tích, sáng tạo, tự cập nhật kiến thức, năng lực thực hành, năng lực tổ chức và khả năng thích nghi với môi trường làm việc khi tốt nghiệp.
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trân trọng gửi lời chúc các thầy cô giáo sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Quyền Chủ nhiệm Khoa Luật, PGS.TS Trịnh Quốc Toản nhấn mạnh: Khoa Luật với 40 năm phát triển đã trải qua nhiều giai đoạn chuyển đổi lịch sử, khởi nguyên từ Khoa Pháp lý thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập ngày 30/7/1976 theo Quyết định số 1807 của Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Đây là cơ sở đào tạo đầu tiên và duy nhất của nước ta được giao nhiệm vụ chính trị là đào tạo cán bộ pháp lý bậc đại học ở thời điểm đó.
Trong 5 năm qua, Khoa Luật đã đào tạo được gần 1.500 cử nhân hệ chính quy (trong đó có 88 cử nhân hệ chất lượng cao), 1.274 cử nhân hệ vừa làm vừa học, 689 thạc sĩ và 30 tiến sĩ trong nước, gần 150 thạc sĩ, tiến sĩ có quốc tịch nước ngoài.
Hiện nay, Khoa Luật có 120 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó 79 cán bộ giảng dạy. Số cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ trở lên là 59 người chiếm 74,7%; số phó giáo sư, giáo sư là 24 người chiếm 30,37%.
Trong 40 năm qua, các thế hệ cán bộ, giảng viên của Khoa đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài trọng điểm cấp nhà nước, cấp bộ, cấp ĐHQGHN, cấp cơ sở và các đề tài, dự án của các đối tác, chính phủ nước ngoài. Chỉ tính riêng từ năm 2000 trở lại đây, các giảng viên của Khoa đã chủ trì nghiên cứu và bảo vệ thành công 05 đề tài, dự án cấp nhà nước; 03 đề tài nghiên cứu của Trung tâm hỗ trợ nghiên cứu châu Á; 82 đề tài nghiên cứu cấp ĐHQGHN…
Với định hướng xây dựng thành Trường Đại học Luật định hướng nghiên cứu, Khoa Luật luôn xác định tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường học thuật và khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên, học viên. Hằng năm, bình quân có khoảng từ 30-50 đề tài nghiên cứu khoa học được các nhóm sinh viên, học viên thực hiện.
Ngày 13/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản số 1806/Ttg – KGVX về việc đồng ý chủ trương thành lập Trường Đại học Luật thuộc ĐHQGHN trên cơ cở Khoa Luật - ĐHQGHN./.