Mẹ bị tiểu đường trong thai kỳ, con dễ bị đột tử

-Chủ nhật, ngày 13/11/2016 12:14 GMT+7

Thông thường trong khoảng 100 thai phụ đái tháo đường thai kỳ, có khoảng 8 người phải tiếp tục theo dõi nguy cơ đái tháo đường type 2 sau khi sinh.

Bệnh lý đái tháo đường nói chung và đái tháo đường thai kỳ nói riêng đang gia tăng nhanh ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bệnh lý trên có thể cướp đi sinh mạng của cả thai phụ và thai nhi, nhưng 90% có thể phòng ngừa.

Thông tin trên được PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sản Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ với báo giới nhân kỷ niệm ngày đái tháo đường thế giới 14/11.

Theo BS Khánh Trang, đái tháo đường là bệnh lý không phân biệt nam nữ, bệnh đang gia tăng nhanh trên toàn cầu đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Riêng tại Việt Nam, thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường cho thấy, trong 10 năm qua, số người mắc bệnh đã tăng lên 211%. Cả nước hiện có hơn 5 triệu người bị đái tháo đường, tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng của Việt Nam cao nhất trong khu vực Đông Nam Á (khoảng 5.8%). Đây là vấn đề y tế công cộng rất đáng lo ngại, gây ra gánh nặng bệnh tật, làm phát sinh chi phí cho y tế, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Theo Phó giáo sư Khánh Trang, ngoài những trường hợp đái tháo đường mạn tính thì đái tháo đường thai kỳ đang là vấn đề rất đáng lo ngại, đe dọa đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi. Đái tháo đường thai kỳ là một rối loạn chuyển hóa thường gặp và có khuynh hướng tăng nhanh.

Nếu không kiểm soát tốt có thể làm tăng bệnh suất và tỷ lệ tử vong ở cả thai phụ lẫn thai nhi. Bệnh làm tăng tỷ lệ sinh mổ do con to, tiền sản giật và sản giật, băng huyết sau sinh... Trẻ có nguy cơ sinh non, chấn thương sản khoa như kẹt vai, gãy xương đòn do con to hay thai suy trong chuyển dạ, suy hô hấp sau sinh, đột tử thai nhi...

Thông thường trong khoảng 100 thai phụ đái tháo đường thai kỳ, có khoảng 8 người phải tiếp tục theo dõi nguy cơ đái tháo đường type 2 sau khi sinh. Nếu không quản lý tốt trong thai kỳ, con số này có thể tăng đến 50-60%. Người có bố mẹ đái tháo đường sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh trong thai kỳ gấp 4-5 lần. Bà mẹ bị tiểu đường thai kỳ thì 50-60% em bé bị đái tháo đường sau này. 

Tại Bệnh viện Hùng Vương, đơn vị quản lý đái tháo đường thai kỳ được thành lập từ tháng 4/2016 giúp thai phụ bị bệnh được điều trị hiệu quả tại một nơi thay vì đến 2 viện như trước. Đây là đơn vị khép kín vừa theo dõi thai vừa điều trị nội tiết đầu tiên tại TP HCM. Trước đây các bệnh viện sản khi chẩn đoán bà bầu đái tháo đường thì sẽ chuyển qua bác sĩ nội tiết theo dõi. Thai phụ phải vừa khám thai, vừa kiểm soát đái tháo đường tại hai nơi gây tốn kém thời gian, tiền bạc.

Việc điều trị được thực hiện ngay sau khi tầm soát phát hiện, bao gồm tiết chế dinh dưỡng, vận động hợp lý. Hiện các bác sĩ đã xây dựng được khẩu phần ăn với những món ăn Việt giúp bệnh nhân dễ tuân thủ. 

Chế độ ăn tiết chế gồm ăn đúng giờ, nhiều bữa cách nhau 3-4 giờ, không bỏ bữa, ít tinh bột, giàu chất xơ. Nên ăn rau xanh đậm, các loại đậu, khoai tây, cà rốt, khoai lang, bông cải xanh, bí, yến mạch, nấm, cá... Tập thể dục như đi bộ, bơi lội, yoga nhẹ nhàng tối thiểu 3 lần một tuần, mỗi lần 15 phút. Khoảng 10-20% bệnh nhân không đáp ứng chế độ dinh dưỡng tiết chế tại nhà phải nhập viện điều trị./.

 

Những món ăn giữ ấm cơ thể, không gây tăng cân trong mùa Đông

VOV.VN - Vào mùa Đông, cơ thể cần nhiều năng lượng hơn để giữ ấm, kéo theo đó có thể khiến bạn tăng cân nếu không có chế độ ăn và sử dụng thực phẩm phù hợp.

 

Củ gừng không phải lúc nào cũng có lợi cho sức khoẻ con người

VOV.VN - Gừng được biết đến như một loại gia vị, một vị thuốc nhưng nếu không dùng đúng cách, đúng liều lượng, gừng có thể gây ra những ảnh hưởng xấu.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước