Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Thanh Uyên) 

Theo báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) về hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực SHTT, trong năm 2015 Cục đã tiếp nhận 93.985 đơn các loại, gồm 50.975 đơn đăng ký xác lập quyền (tăng 10% so với năm 2014) và 43.010 đơn khác.

Về việc xử lý đơn, Cục SHTT đã xử lý 75.283 đơn các loại, trong đó có 35.360 đơn đăng ký xác lập quyền (giảm 8,7% so với năm 2014), trong đó: chấp nhận bảo hộ 25.621 đối tượng sở hữu công nghiệp (SHCN); từ chối bảo hộ 9.739 đối tượng SHCN; ngoài ra đã xử lý 39.923 đơn các loại khác. Số văn bằng bảo hộ đã cấp, đã chấp nhận và cấp văn bằng bảo hộ 25.337 đối tượng SHCN (giảm 6,1% so với năm 2014)...

Cục SHTT cũng cho biết, công tác xử lý đơn chưa đáp ứng được kỳ vọng của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp do có nhiều khó khăn cả về phía chủ quan và khách quan. Trong đó nguyên nhân chính là hệ thống công nghệ thông tin chưa được nâng cấp kịp thời trong khi dữ liệu ngày càng lớn nên ảnh hưởng đến tốc độ tra cứu và xử lý... Bên cạnh đó, cơ sở vật chất tuy được tăng cường hằng năm nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trước mắt cũng như trung hạn.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trong thời gian tới, Cục sẽ sớm hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ký để ban hành Chương trình hành động quốc gia về SHTT; tập trung hoàn thiện các văn bản pháp luật về SHTT; tiến hành các giải pháp đồng bộ để nâng cao tốc độ xử lý đơn đăng ký SHCN, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác của Cục, đặc biệt là công tác quản trị đơn SHCN…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh khẳng định, hoạt động SHTT thời gian qua đã có nhiều đóng góp thiết thực đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Cục SHTT và các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển trong lĩnh vực này và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh khẳng định: “Đảng đã có chủ trương, định hướng lớn, Quốc hội, Chính phủ và Bộ KH&CN cũng ban hành nhiều văn bản pháp luật và chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Cục SHTT và các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển trong lĩnh vực này và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận”.

Tuy nhiên, hoạt động SHTT trong những năm qua vẫn tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Điển hình là việc chậm ban hành văn pháp luật, tồn đọng trong công tác thẩm định đơn đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, một số hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về phát triển tài sản trí tuệ còn chậm được triển khai…

Bởi vậy, trong thời gian tới cần phải tìm mọi giải pháp, cách tiếp cận để thay đổi một cách bứt phá trong hoạt động SHTT theo tinh thần đổi mới, phát triển trong thời gian sớm nhất.

Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến tham luận đến từ các sở KH&CN cũng chia sẻ những kết quả cũng khó khăn trong hoạt động quản lý SHTT cũng như kiến nghị các giải pháp để SHTT thời gian tới góp phần thúc đẩy hoạt động kinh tế. Đặc biệt, việc tăng tiến độ xử lý đơn được nhiều địa phương kiến nghị nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

BL