Khác với cách làm sách thông thường không thể dự báo trước được nhu cầu của độc giả và nhiều khi gây lãng phí khi sách bị cất kho, giới trẻ đang tiến hành nhiều dự án làm sách theo cách gây quỹ từ cộng đồng, hay nói khác đi là bán sách vào đúng cộng đồng đọc.
Phố phường TP HCM được mô phỏng thu nhỏ trong sách pop-up “Sài Gòn phố”
Nếu chỉ nghe tên cuốn sách “Sài Gòn phố”, sẽ thấy khó mà hấp dẫn người đọc, nhất là trong lúc có quá nhiều sách về Sài Gòn đang “nở rộ” thời gian gần đây. Tuy nhiên, dự án sách pop-up “Sài Gòn phố” (sách có nội dung bằng mô hình) vẫn đang tiến hành và khá thành công, thu được sự chú ý của dư luận và sự ủng hộ của công chúng.
Phố phường Sài Gòn được mô phỏng thu nhỏ trên giấy qua các biểu mẫu của 10 điểm ấn tượng nhất trong TP. Mỗi trang pop-up đều có thể xem từ nhiều góc độ khác nhau.
“Sài Gòn phố” phiên bản phổ thông có giá 240.000 đồng, không hề rẻ đối với một cuốn sách. Mục tiêu ban đầu đặt ra của nhóm thực hiện là gom được 150 triệu đồng nhưng chỉ sau 3 tuần gây quỹ, dự án đã thu được 220 triệu đồng và thời hạn ủng hộ vẫn còn một tuần nữa mới kết thúc.
Đó là thành quả của nhóm Nextstep, gồm 5 thành viên đến từ Khoa Mỹ thuật công nghiệp chuyên ngành thiết kế đồ họa của Trường ĐH Văn Lang (TP HCM): Đặng Quang Minh, Nguyễn Vũ Tuấn Phát, Phan Thị Bích Thảo, Lương Thị Thanh Trúc và Đặng Hoài Vũ.
“Để làm được những trang giấy trở thành căn nhà pop-up, có thể mở và gấp chính xác, tờ giấy phải được người sản xuất cắt gọt theo các đường gấp cực kỳ chính xác. Chất lượng giấy và quá trình in ấn vô cùng quan trọng. Kích cỡ của đồ vật và giấy đặt vào nhau phải khớp từng milimét. Thêm vào đó, loại keo dán cũng có vai trò quyết định bởi nó phải đóng khít, giữ vững những vật thể 3D trên giấy” - Phan Thị Bích Thảo cho biết.
Hầu hết các giai đoạn của sản phẩm đều được làm bằng tay, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Vì thế giá của sách pop-up khó hạ thấp nhưng sự quan tâm, ủng hộ của công chúng đọc đã cho thấy một xu thế mới đang thực sự mở ra với các nhà làm sách.
In một cuốn sách pop-up phức tạp, cầu kỳ và tốn kém hơn rất nhiều lần. Nếu không phải là những sản phẩm đã được đặt hàng trả tiền trước từ người mua thì nhà sản xuất sẽ khó dám mạo hiểm.
“Vấn đề lớn nhất chúng tôi cần biết là liệu độc giả người Việt có sẵn sàng bỏ ra số tiền cao hơn tiền mua sách truyền thống để sở hữu sản phẩm này? Liệu sách pop-up có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam không? Do vậy, chúng tôi quyết định tổ chức gây quỹ cộng đồng, không chỉ để có nguồn vốn sản xuất sách mà còn muốn chứng minh rằng người Việt hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm nghệ thuật chất lượng và độc giả Việt sẽ đón nhận những sản phẩm chất lượng ấy” - biên kịch Nguyễn Khánh Dương, đại diện đơn vị sản xuất Comicola, khẳng định.
“Sách pop-up còn đang thăm dò thị hiếu đọc của người Việt nhưng tổng số các dự án mà Comicola đã kêu gọi góp vốn thành công gần đây là 2 tỉ đồng. Đặc biệt, các dự án truyện tranh của người Việt do Comicola vận động gây quỹ đã chiếm đến 50% tổng số tiền gây quỹ được” - biên kịch Nguyễn Khánh Dương cho biết thêm.
Sách pop-up là một trong số những sản phẩm in ấn được quan tâm hàng đầu đối với người đọc sách trên thế giới bởi tính mỹ thuật, hiệu quả thị giác của nó. Tại nhiều nước phát triển, sách pop-up đang trở thành công cụ tuyệt vời phục vụ mục đích giáo dục cũng như giới thiệu văn hóa.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, xu thế sách pop-up chưa thực sự được cập nhật, mới chỉ có một số ít ấn phẩm làm cho thiếu nhi, như bộ sách 2 cuốn “In the Jungle” (Ở vườn thú) và “Honeydew Farm” (Ở trang trại). Chưa có cuốn sách pop-up nào của người Việt và “Sài Gòn phố” sẽ là cuốn đầu tiên.
Bài và ảnh: Hòa Bình