Quảng Ngãi: Nhiều di tích hoang phế

-Thứ hai, ngày 17/10/2016 22:13 GMT+7

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có hàng chục di tích đang bị tàn phá, xâm hại nặng nề, trong khi ngành chức năng chưa có phương pháp bảo vệ hữu hiệu

Theo thống kê, tỉnh Quảng Ngãi hiện có 199 di tích lịch sử, văn hóa được UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định công nhận bảo vệ, trùng tu. Trong đó có 28 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, 1 di sản phi vật thể cấp quốc gia và 171 di tích cấp tỉnh. Trong những năm qua, dù ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức trùng tu, tôn tạo nhưng nhiều di tích vẫn đang bị tàn phá, xâm hại nghiêm trọng.

“Xóm di tích” bị bỏ hoang

Nằm cách trung tâm TP Quảng Ngãi khoảng 25 km, xóm Tân An, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức được mệnh danh “xóm di tích” bởi nơi đây có gần 10 di tích lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, dù có rất nhiều di tích nhưng phần lớn đang bị xâm hại hoặc xuống cấp nghiêm trọng. Những di tích như hầm Xác Máu, Lâm Sơn, Phú Lộc, Trà Niên… có chiều dài hàng trăm mét đang bị bỏ hoang, không người chăm sóc, tôn tạo. Nhiều đoạn hầm của các di tích này đã bị sập, hư hỏng nặng.

 

Di tích núi Thiên Bút (TP Quảng Ngãi) đang bị tàn phá để xây dựng khu dân cư, công viên

Nhìn những di tích dần bị hư hỏng, ông Phạm Thanh (ngụ xóm Tân An, xã Đức Phong) không khỏi nuối tiếc, xót xa: “Đây là những di tích đã từng gắn bó máu thịt với hàng trăm người dân xã Đức Phong. Hồi trước, nhiều người thân của các gia đình ở Tân An đã ngã xuống những nơi này. Đối với người dân chúng tôi, những di tích này trở thành mảnh đất thiêng, biểu tượng về cuộc chiến tranh khốc liệt của người dân xóm Tân An. Vậy mà giờ nó dần biến mất”.

Ông Lê Văn Vỹ, cán bộ phụ trách văn hóa ở xã Đức Phong, cho biết đây là những di tích có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với địa phương, một minh chứng hùng hồn về cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ của đồng bào nơi đây. Bao năm sau ngày đất nước thống nhất, bà con xóm Tân An vẫn coi những di tích này như một phần không thể tách rời của cuộc sống. “Người dân ở đây tự bỏ tiền xây dựng ngôi miếu thờ những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh. Bây giờ, ngôi miếu đang bị xuống cấp, không có tiền tu sửa. Chúng tôi cũng kiến nghị cấp trên cấp kinh phí để xây dựng, sửa sang những di tích này nhưng bao năm qua có được đâu” - ông Vỹ nói.

“Cạo trọc” núi Thiên Bút

Vụ việc đang gây nhiều luồng dư luận trái chiều hiện nay ở Quảng Ngãi là di tích lịch sử núi Thiên Bút bị tàn phá nặng nề. Di tích này được xếp thứ 3 trong 12 thắng cảnh ở Quảng Ngãi và được người dân xem là tinh hoa, văn khí của Quảng Ngãi. Trên đỉnh Thiên Bút vẫn còn dấu tích của ngôi đền cổ Chăm Pa. Tuy nhiên, di tích này được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao cho một doanh nghiệp xây dựng khu đô thị, kết hợp công viên. Doanh nghiệp này đang khai phá rầm rộ, “cạo trọc” cây cối trên đỉnh Thiên Bút.

 

Di tích Giếng Vua (huyện Lý Sơn) bị xâm hại, xuống cấp nghiêm trọng

Di tích lịch sử chùa Ông (xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa) hoặc chùa Diệu Giác (xã Bình Trung, huyện Bình Sơn) dù được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia nhưng cũng đang bị xâm hại nặng nề, các phần kiến trúc bị thay đổi phần lớn theo hướng hiện đại... Theo quy hoạch, quản lý bảo vệ di tích chùa Ông được duyệt trên 4.088 m2 nhưng người dân xung quanh đã lấn chiếm hơn 600 m2, vụ việc kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Ngoài ra, còn có rất nhiều di tích khác như chiến thắng Ba Gia (xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh), căn cứ cách mạng Tuyền Trung (huyện Bình Sơn), thắng cảnh núi Phú Thọ, Cổ Lũy cô thôn… cũng đang rơi vào tình trạng xuống cấp, hoang phế hoặc bị xâm hại nặng nề.

Thiếu kinh phí trùng tu, sửa chữa

Ông Lê Hồng Khánh - Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, một trong những người chuyên nghiên cứu về văn hóa ở Quảng Ngãi - không khỏi tiếc nuối khi nhìn những di tích dần bị xóa sổ hoặc xâm hại nặng nề. “Có những di tích, thắng cảnh do biến đổi của thiên nhiên, tạo hóa làm cho nó mất đi, mình đã thấy tiếc rất nhiều nhưng cũng có nhiều di tích do chính con người tàn phá, hủy hoại thì càng xót xa hơn. Các di tích này không những có giá trị văn hóa mà còn có giá trị về mặt du lịch, kinh tế nếu chúng ta biết giữ gìn, phát huy hiệu quả” - ông Khánh nói.

Ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, cho biết trong những năm gần đây, từ chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh đã quyết định trùng tu nhiều di tích đã xuống cấp, hư hỏng trên địa bàn. Nhiều di tích văn hóa, lịch sử sau khi trùng tu đã thu hút khá đông du khách đến tham quan, phục vụ người dân như di tích khởi nghĩa Trà Bồng, Ba Tơ; khu chứng tích Sơn Mỹ; Khu Lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng… Tuy nhiên, vẫn còn những di tích chưa được sửa sang hoàn chỉnh hoặc bị xuống cấp.

“Nhiều di tích đang bị hư hỏng, xâm hại nhưng việc bảo vệ khó khăn do chưa có sự quan tâm của chính quyền địa phương. Hằng năm, chúng tôi đều tiến hành trùng tu, sửa chữa những di tích bị xuống cấp, hư hỏng nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên gặp không ít khó khăn, làm chỗ này thì chỗ khác hư hỏng” - ông Vũ than.

Bài và ảnh: Tử Trực

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước