Báo cáo về thực trạng tiếp cận Bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nhiễm HIV, đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: Hiện nay tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT bình quân chỉ đạt khoảng 40%, bằng 1/2 tỷ lệ người dân cả nước có thẻ BHYT. Các nguyên nhân khiến tỷ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT thấp gồm: điều kiện kinh tế rất khó khăn, không có tiền mua thẻ BHYT; nhiều người nhiễm HIV sống lang thang, không có hộ khẩu, không có nơi cư trú ổn định nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ BHYT của Nhà nước (kể cả là người nghèo); lo sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử nếu tham gia BHYT... Theo ước tính, từ năm 2017 Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện chi trả thuốc ARV từ nguồn BHYT và sẽ tăng dần trong những năm tiếp theo nhằm phấn đấu đạt 70% bệnh nhân điều trị HIV/AIDS được thanh toán qua BHYT vào năm 2020.

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:KS)

Trước thực tế trên, ngày 15/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2188 quy định việc thanh toán thuốc kháng virus HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia từ nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng virus HIV. Đây là chủ trương quan trọng nhằm ứng phó kịp thời để duy trì và tăng số người nhiễm HIV được điều trị, chăm sóc sau khi hết các nguồn tài trợ quốc tế.

Quyết định 2188 quy định thực hiện mua sắm tập trung cấp quốc gia đối với thuốc kháng virus HIV theo quy định của Luật đấu thầu ngày 26/11/2013, Nghị định số 63/2014 ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và các văn bản hướng dẫn. Về thanh toán thuốc kháng virus HIV từ quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT, Quyết định nêu rõ: Căn cứ vào văn bản thỏa thuận khung giữa Bộ Y tế và nhà cung ứng thuốc được lựa chọn, tổ chức BHYT ký hợp đồng trực tiếp với nhà thầu cung ứng thuốc. Việc thanh toán chi phí thuốc kháng virus HIV thực hiện theo quy định về thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với tổ chức BHYT hiện hành.

Bên cạnh đó, Quyết định 2188 cũng hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng virus HIV căn cứ vào khả năng ngân sách các địa phương đảm bảo hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT thông qua Quỹ khám chữa bệnh người nghèo, Quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT có điều trị thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV sử dụng các nguồn quỹ khác (nếu có) của đơn vị theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 16/2015 ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập để hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV. Đặc biệt, Quyết định 2188 đã quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố bố trí kinh phí mua thẻ BHYT cho 100% người nhiễm HIV.

 

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh:KS)

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá, trong bối cảnh nguồn lực từ các tổ chức quốc tế đang ngày càng hạn chế thì nguồn quỹ từ BHYT là một nguồn lực quan trọng giúp duy trì các mục tiêu về phòng chống HIV/AIDS một cách bền vững. Chính vì vậy, để nhanh chóng triển khai quyết định trong thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Cục Phòng chống HIV/AIDS và Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương đẩy nhanh tiến độ kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS nhằm bảo đảm đủ điều kiện và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS với các cơ quan BHYT tại địa phương. Bên cạnh đó, mỗi địa phương cần tăng cường tỷ lệ bao phủ BHYT đối với đối tượng là những người nhiễm HIV. Để làm được điều này, các Sở Y tế và BHXH cần tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố các nguồn kinh phí để sử dụng trong việc mua thẻ và cấp thẻ cho người nhiễm HIV.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã dành thời gian trao đổi và thảo luận những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khi triển khai Quyết định 2188; xác định nhiệm vụ của từng Bộ, ban, ngành liên quan cũng như các địa phương nhằm nhanh chóng triển khai các nội dung của Quyết định trong thực tế./.

Kim Sơn