Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa dự vào chỉ đạo Hội thảo ngày 12/10. Ảnh: Đăng Lương
Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã phối hợp các bộ, ban, ngành, các địa phương tham mưu ban hành và ban hành các văn bản chỉ đạo các nhà trường xây dựng môi trường văn hóa trong trường học. Ngày 22/7/2008, Bộ đã ban hành Chị thị số 40/CT-BGDĐT về việc phát động phong trào Xây dựng Trường học thân thiên, học sinh tích cực.
Ngày 05/5/2014, Bộ ban hành Chỉ thị số 1537/CT-BGDĐT về tăng cường và nâng cao hiệu quả một số hoạt động giáo dục cho học sinh, sinh viên. Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030 và Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Bộ tham mưu trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28/8/2015 phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2015 – 2020”.
Thực hiện các chỉ đạo trên, các nhà trường đã triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong các hoạt động, phong trào, tạo môi trường văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Phong trào Trường học thân thiện, học sinh tích cực đã trở thành các hoạt động thường xuyên trong các nhà trường. Một số nhà trường đã xây dựng và triển khai quy tắc ứng xử văn hóa. Tuy nhiên, theo báo cáo việc triển khai còn chưa đồng bộ, hiệu quả thấp (hát quốc ca trong lễ chào cờ, lao động, vệ sinh, trang trí khẩu hiệu, tập thể dục....nhiều địa phương, nhà trường chưa quan tâm triển khai).
Hội thảo “” được tổ chức nhằm tạo sự thay đổi nghiêm túc, đồng bộ về văn hóa trường học trong toàn hệ thống giáo dục quốc dân. Hội thảo cũng đưa ra cơ sở thực tiễn về văn hóa và việc xây dựng văn hóa học đường ở Việt Nam; nghiên cứu đề xuất các giải pháp lâu dài, giải pháp đột phá và những việc cần làm ngay nhằm xây dựng văn hóa học đường ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 và cho tương lai.
Tại Hội thảo cũng đã tập trung thảo luận làm rõ các vấn đề: Văn hóa học đường đối với việc hình thành nhân cách học sinh, sinh viên; Bài toán văn hóa trong đổi mới giáo dục ở Việt Nam; Vai trò của tư vấn học đường trong xây dựng văn hóa học đường; Thực trạng văn hóa học đường; Khẩu hiệu trong khuôn viên nhà trường - Thực trạng và giải pháp. Bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường - Thực trạng và giải pháp.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, hiện nay ngành giáo dục đang triển khai, thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Một trong những vấn đề quan trọng cần được thực hiện là phải chuyển mạnh quá trình giáo dục từ “nặng” về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục “trọng” về hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học; Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng nhấn mạnh, xây dựng môi trường văn hóa trong trường học đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân cho học sinh, sinh viên./.