Chúng ta mới bước sang thế kỷ 21 được 15 năm, để biết đâu là những cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của thế kỷ vẫn còn quá sớm, nhưng dựa trên đánh giá của nhà phê bình, phản hồi của độc giả và lượng sách tiêu thụ, trang BBC (Anh) đã có những dự đoán…
Tổng cộng đã có 156 cuốn tiểu thuyết được đưa ra cân nhắc, từ đó 12 cuốn nhận được những đánh giá cao nhất đã vinh dự xuất hiện trong danh sách này.
Middlesex (Giới tính giữa - 2002), nhà văn Mỹ Jeffrey Eugenides
“Tôi được sinh ra hai lần: lần đầu tiên, là một bé gái, vào một ngày trời quang mây tạnh ở thành phố Detroit tháng 1/1960; và sinh ra một lần nữa, là một cậu trai choai choai, trong một phòng phẫu thuật ở thành phố Petoskey tháng 8/1974”.
Nhà văn Eugenides đã viết như vậy trong những dòng mở đầu của cuốn tiểu thuyết. Ở tuổi 14, Calliope Stephanides phát hiện ra rằng mình có cả cơ quan sinh dục nam và nữ, Calliope quyết định chuyển giới và đổi tên thành Cal. Bằng giọng văn giàu cảm xúc, Eugenides đã đặt ra những tầng lớp câu hỏi về định mệnh, về sự tự do trong cuộc đời của nhân vật Cal suốt những năm tháng trưởng thành về sau.
Một sai sót của tạo hóa cuối cùng đã đưa lại cho Cal một món quà bí ẩn, đưa lại cho anh “khả năng giao tiếp giữa các giới tính, để có thể quan sát thế giới không phải chỉ bằng tư duy của một người đàn ông hay một người phụ nữ, thay vào đó là sự nhìn nhận thấu suốt bằng cả nữ tính và nam tính.
White Teeth (Răng trắng - 2000), nhà văn Anh Zadie Smith
Khi viết tác phẩm này, nữ nhà văn Zadie Smith mới 23 tuổi, cô đã khiến văn đàn Anh sửng sốt với tác phẩm đầu tay thành công chứa đựng sự thông thái và một nhãn quan không hề sao chép bất cứ cây bút nào trước đó.
“Răng trắng” lấy bối cảnh thành phố London, Anh, nơi Archie Jones và Samal Iqbal kết bạn với nhau từ thời Thế chiến II, khi họ còn phục vụ trong quân đội. Hòa bình lập lại, họ ổn định cuộc sống, lập gia đình. Cuốn tiểu thuyết mở đầu bằng việc Archie ly hôn người vợ thứ hai, ngồi trong chiếc xe hơi đang nhồi đầy khói xe, đầu gục xuống vô-lăng.
Archie quyết định tự tử vào đúng ngày đầu năm mới 1975. Anh đậu xe trước một cửa hiệu bán thịt của một người đàn ông theo đạo Hồi, may mắn, Archie được người chủ tiệm cứu sống. Dần dần, “Răng trắng” mở ra hàng loạt những cảnh tượng sinh động và những lớp lang nhân vật, khắc họa một bức chân dung về thành phố London đa văn hóa thời kỳ hậu Thế chiến.
Những đứa trẻ với những cái tên lạ lẫm, những cái tên ẩn chứa trong đó câu chuyện về cuộc di cư, về những con thuyền nêm chặt người vượt biển đi tìm vùng đất hứa, về những sự đón tiếp lạnh lùng khi đặt chân lên xứ người với những điều kiện nhập cư của nhà chức trách…
Half of a Yellow Sun (Nửa mặt trời vàng - 2006), nhà văn người Nigeria - Chimamanda Ngozi Adichie
Trong cuốn tiểu thuyết sinh động của mình, nữ nhà văn Adichie đã quay ngược thời gian trở về quá khứ của tổ tiên mình, để viết về cuộc xung đột Biafra từng phủ bóng đen lên đất nước cô trong suốt 3 năm, khi những người Igbo ở miền Đông ly khai hồi năm 1967. Nằm trong biến động của đất nước có những bi kịch của gia đình.
Câu chuyện về đất nước Nigeria được kể thông qua hai chị em sinh đôi Olanna và Kainene, một cậu bé giúp việc không tên, người bạn trai trí thức của Olanna, và một người đàn ông Anh chuyển tới sống ở Nigeria về sau đem lòng yêu Kainene.
Cuốn tiểu thuyết khắc họa lại thời kỳ hậu thuộc địa của đất nước Nigeria. “Nửa mặt trời vàng” được coi là tác phẩm văn học đầy trí tuệ và giàu tính nghệ thuật, đưa ra những câu chuyện chính trị một cách nghiêm túc, đồng thời ẩn chứa trong đó, tình yêu và sức sống con người trong chiến tranh, loạn lạc.
Atonement (Đền tội - 2001), nhà văn Anh Ian McEwan
“Đền tội” là cuốn tiểu thuyết đẹp ám ảnh mở đầu bằng một ngày hè năm 1935, khi cô bé 13 tuổi Briony đưa cho mẹ xem vở kịch cô đã viết để chuẩn bị biểu diễn cùng với 3 người anh chị em họ vào buổi tối hôm sau, nhưng đúng tối hôm đó, Briony chứng kiến người chị họ 15 tuổi Lola bị hành hung và cưỡng hiếp trong rừng đêm.
Briony là nhân chứng duy nhất và lời khai của cô bé đã khiến Robbie, bạn trai của chị gái Cecilia - một thanh niên trí thức đang theo học ở trường Cambridge phải vào tù. Tác phẩm sau đó mở ra toàn cảnh xã hội Anh thời Thế chiến II.
Sau này, khi đã trưởng thành hơn, Briony hiểu rằng một lời khai gian dối vì sự ghen tị trẻ con của mình đã phá hỏng vĩnh viễn cuộc đời của Robbie và mối tình giữa Robbie với chị gái cô. Như một cách để đền tội cho quá khứ, Briony trở thành y tá chuyên chăm sóc các thương binh ngoài mặt trận. Cuốn tiểu thuyết theo sát các nhân vật qua 6 thập kỷ, trong đó, Briony là nhân vật chính, luôn đi kiếm tìm sự đền tội với nỗi ám ảnh suốt cuộc đời.
Billy Lynn’s Long Halftime Walk (Cuộc đi dạo ngắn rất dài của Billy Lynn - 2012), nhà văn Mỹ Ben Fountain
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Fountain kể về 8 cậu tân binh đến tham chiến tại Iraq, chưa từng đánh giáp lá cà trước đây, ngay trong trận đầu tiên, nhóm 8 người các cậu đã phải vĩnh viễn chia tay một đồng đội và một người khác bị thương tật vĩnh viễn. Sau quãng thời gian thực hiện nghĩa vụ ở Iraq, họ trở về Mỹ và được tôn vinh như những anh hùng, được báo chí tìm tới phỏng vấn, đưa tin.
Câu chuyện được kể thông qua nhân vật chính - cậu thanh niên 19 tuổi Billy Lynn - với những hỗn độn cảm xúc và nỗi bất an thường trực sau khi trở về quê nhà từ chiến trường Iraq. Trước những tôn vinh mà người ta dành cho, Billy Lynn đã nói một câu kinh điển rằng: “Thật kỳ lạ khi anh được tôn vinh vì đã trải qua những ngày tệ hại nhất trong cuộc đời mình”.
A Visit from the Goon Squad (Chuyến viếng thăm của biệt đội đánh thuê - 2010), nhà văn Mỹ Jennifer Egan
“Thời gian là một tay lính đánh thuê ẩn náu rất kỹ, bạn thường không để ý tới hắn bởi bạn đang bận đương đầu với những tay khác đứng lù lù ngay trước mặt”. Mạch tiểu thuyết xoay quanh giọng kể tự sự của ca sĩ nhạc rock kiêm nhà sản xuất âm nhạc Bennie Salazar, người trợ lý có thói ăn cặp vặt Sasha và hàng loạt những con người nuôi ước mơ được nổi tiếng.
Trong cuốn tiểu thuyết, Egan đã khắc họa cuộc hành trình từ tuổi trẻ đến tuổi già của những con người, cùng với đó là sự biến đổi nhanh chóng của thế giới xung quanh, khiến những trải nghiệm của con người mỗi thời mỗi khác. “Chuyến viếng thăm của biệt đội đánh thuê” là một cuốn tiểu thuyết đầy trí tuệ, chứa đựng sự bất ngờ và sức lôi cuốn.
The Amazing Adventures of Kavalier & Clay (Những cuộc phiêu lưu đáng kinh ngạc của Kavalier và Clay - 2000), nhà văn Mỹ Michael Chabon.
Joe Kavalier là một ảo thuật gia, anh đã dùng tài nghệ của mình để trốn thoát khỏi thành phố Praha nơi quân Đức quốc xã đóng quân hồi năm 1939. Đi tới New York, cùng với người em họ Sammy Clay, Joe Kavalier đã sáng tạo ra nhân vật siêu anh hùng Đào tẩu và cho ra mắt loạt truyện tranh thành công xoay quanh nhân vật này.
Với phong cách truyện lồng truyện, giọng văn sắc sảo, giàu cảm xúc, chứa đựng nhiều chi tiết lịch sử và đề cập tới phạm trù đạo đức con người trên nhiều bình diện, tác phẩm là dấu gạch nối khắc họa sự chuyển giao sôi động giữa hai thế kỷ 20-21.
The Corrections (Sửa chữa - 2001), nhà văn Mỹ Jonathan Franzen
Cuốn truyện xoay quanh nhiều thế hệ trong một gia đình đã thâu tóm được tinh thần của thời đại, của thập niên 2000. Các nhân vật chính trong tác phẩm là cặp vợ chồng Alfred - Enid và 3 người con đã trưởng thành, giờ đi khắp nơi lập nghiệp của họ.
Tác phẩm khởi điểm từ những năm cuối của thế kỷ 20 khi Alfred bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh Parkinson và chuẩn bị tận hưởng “một mùa Giáng sinh cuối cùng thực sự hạnh phúc”, cũng chính lúc này, nền kinh tế Mỹ đang đứng trước bờ vực của sự suy thoái.
Cuốn tiểu thuyết đề cập đến một vấn đề vừa quan trọng vừa gai góc của thời đại, đó là những bất ổn thường trực của nền kinh tế, để từ những con số khô khan, vô cảm phản ánh những giá trị cốt lõi trong mỗi gia đình, đó là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, là một xã hội ngày càng có nhiều người già sống cô đơn, âm thầm nuối tiếc những tháng ngày hào quang đã mất.
Gilead (2004) - nhà văn Mỹ Marilynne Robinson
Đức cha John Ames là nhân vật chính của tiểu thuyết, vì vậy, “Gilead” chứa đựng nhiều câu chuyện về lòng tin tôn giáo - một đề tài vốn gây tranh cãi và thường là kiêng kỵ trong văn học Mỹ đương đại.
Trong khuôn khổ của một gia đình và một cộng đồng dân cư nằm dưới sự chăm nom tín ngưỡng của đức cha John Ames, nữ nhà văn Robinson đã phản ánh đời sống tinh thần của những con người thuộc nhiều thế hệ ở đầu thế kỷ 21, trong đó, những điều kỳ diệu vẫn xảy ra dù lòng tin vào kỳ tích thánh thần của con người tưởng như đã nguội lạnh.
Wolf Hall (Sảnh sói - 2009), nhà văn Anh Hilary Mantel
Trở về với Châu Âu thế kỷ 16, cuốn tiểu thuyết lịch sử có nhiều yếu tố giả tưởng của nữ nhà văn Mantel đã kể lại những câu chuyện có thật thông qua góc nhìn của một chính khách quyền lực hàng đầu Vương quốc Anh thời đó - Thomas Cromwell. Cuốn tiểu thuyết đã đoạt nhiều giải thưởng, được chuyển thể lên sân khấu và truyền hình.
Cách kể lại những câu chuyện lịch sử quen thuộc kết hợp với những tưởng tượng mới mẻ của nhà văn đã khiến hành trình theo đuổi quyền lực của Thomas Cromwell được khắc họa đầy sinh động, hấp dẫn và thuyết phục.
The Known World (Thế giới như đã biết - 2003), nhà văn Mỹ Edward P Jones
Lấy bối cảnh năm 1855 tại đồn điền của điền chủ Henry Townsend - người vốn sinh ra là một nô lệ nhưng sau đó lại trở thành chủ nô, cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi đã khai thác sự phức tạp về quan niệm đạo đức trong một thời kỳ lịch sử quan trọng của nước Mỹ.
The Brief Wondrous Life of Oscar Wao (Cuộc đời ngắn ngủi kỳ lạ của Oscar Wao - 2007) nhà văn Mỹ Junot Díaz
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Junot Diaz kể về cậu thanh niên Oscar Wao - một người Do Thái sống ở bang New Jersey, Mỹ, cậu ước mơ trở thành một nhà văn vĩ đại và tìm thấy tình yêu đích thực của cuộc đời.
Cuốn tiểu thuyết văn học chứa đựng cả những câu chuyện khoa học, giả tưởng, khai thác mối liên hệ gắn kết giữa những người Mỹ gốc La-tinh đối với nền văn hóa bản địa, ngôn ngữ và lịch sử của tổ tiên họ. Đồng thời, tác phẩm cũng đặt ra những câu hỏi lớn lao: Ai là người Mỹ, khi nước Mỹ vốn là một hợp chủng quốc? Thế nào là cuộc sống của một người Mỹ đích thực?