Hoàng Quyên: “Lê Minh Sơn thương tôi lắm”

Mốt và Cuộc sống-Thứ tư, ngày 20/02/2013 09:00 GMT+7

Hoàng Quyên

 Á quân Vietnam Idol chia sẻ về mối duyên với nhạc sĩ Lê Minh Sơn từ khi gặp anh năm 16 tuổi.  

Tự nhận thấy khởi đầu sự nghiệp khá thuận lợi và... hoành tráng, Hoàng Quyên cởi mở về người đã dìu dắt mình, nhạc sĩ Lê Minh Sơn: “Anh Sơn thương tôi lắm. Anh luôn hỏi: “Em có thích anh Sơn không” và có khi lại dọa: “Đừng khinh anh Sơn đấy!”. Liệu đó là thứ tình cảm thầy trò đơn thuần hay còn vướng víu điều gì bên trong?

Có người bảo tôi: “Quyên “tưng” lắm”, thậm chí “cô ấy có điện ở đầu”. Tôi tin vậy, vì là trò của nhạc sĩ Lê Minh Sơn thì cũng không thể loại trừ những trường hợp lạ lùng, thừa lửa. Nhưng cô gái đến từ đồi chè lại mang cho tôi cảm giác ấm áp khi kể về mối duyên với người thầy nổi tiếng Lê Minh Sơn. Chúng tôi cười giòn giã khi cùng nhau kể về người đàn ông cô nhiều lần dùng tính từ “hoành tráng, hầm hố, rất ngầu” để miêu tả.

Từng sợ vẻ hầm hố của... Lê Minh Sơn

- Tôi từng biết đến một Hoàng Quyên thuở 17 tuổi khi nghe “Ổi ương đầu cành” của nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Ngày ấy, vị nhạc sĩ này giới thiệu về chị như một bảo bối. Chị gặp anh ấy thế nào?

- Tôi tham gia cuộc thi Tiếng hát học sinh Hà Nội, trong ban giám khảo lúc ấy có nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Tôi hát xong bỗng nhận được giải Ca sĩ trẻ triển vọng. Lúc chụp hình, anh Sơn đến gần và nói: “Chào cháu, cho chú xin số điện thoại đi, cháu hát tốt quá. Sắp tới chú có mấy dự án âm nhạc muốn mời cháu tham gia”. Tôi cho anh Sơn số điện thoại nhưng mặt vẫn hốt hoảng, vì lúc ấy nhìn anh Sơn... rất ngầu. Về nhà, 4h sáng tôi tiếp tục nhận được tin nhắn: “Chú thấy cháu có nội lực tốt, chú nghĩ rằng không nên bỏ phí một người như cháu, chú cần phải nói chuyện với cháu nhiều hơn”.

9h30 sáng hôm sau đang học trên lớp, tôi nhận tiếp một tin nhắn: “Chú đang ngồi trà đá cổng trường cháu, cháu học xong ra đây chú mời đi ăn”. Tôi thấy run thực sự vì Lê Minh Sơn lúc đấy hầm hố lắm. Tuy nhiên, học xong tôi vẫn ra cổng trường, may là anh ấy có mời thêm một cô trong trường đi cùng.

- Và dự án đầu tiên đã ra đời từ cuộc gặp đó?

- Lê Minh Sơn là người cá tính, nói chuyện rất hài hước. Ngay buổi nói chuyện đầu tiên, anh hỏi tôi sinh năm bao nhiêu, tôi kể mẹ mình sinh năm 1973, thế là gai ốc anh ấy nổi lên: “Mẹ cháu hơn chú hai tuổi, ôi tôi già quá” (cười). Cũng trong buổi đầu gặp, anh Sơn bảo: “Chú là người rất tử tế, sau khi làm việc cháu sẽ biết, không phải sợ sệt gì nữa”. Đặc biệt là, vừa tự nhận kém mẹ tôi chỉ hai tuổi nhưng “chú” lại đề nghị: “Quyên không nên gọi chú bằng chú vì như thế... khinh chú quá”.

Sau buổi gặp, trợ lý của Lê Minh Sơn đưa cho tôi hai ca khúc Rét đầu mùa và Ổi ương đầu cành. Lê Minh Sơn bảo tôi phải nghe nhạc của anh ấy nhiều vào và cảm nhận rồi tự nghĩ ra cho mình cách hát riêng. Tôi bắt đầu chú ý, vì thấy guồng làm việc của Lê Minh Sơn chuyên nghiệp, khác với những gì tôi tưởng tượng và học được ở trường.

- Chị bảo khác với những gì mình học ở trường, cụ thể là thế nào?

- Buổi hát ở phòng thu Lê Minh Sơn đầu tiên của tôi khác với những lần thu khác, anh ấy nói: “Em vỡ nhạc rồi đúng không, em vào phòng thu và tự thu nhé, anh đi ra ngoài”. Tôi cảm thấy mình được mặc sức sáng tạo và hát. Sau này anh Sơn mới nói: “Không phải anh tin vào khả năng của em mà anh muốn em hát để anh hiểu em. Nếu hiểu anh mới có thể nói được điều gì sau đó”.

Tôi hát xong hai bài buổi đầu tiên, anh Sơn nhận xét giọng tôi còn cứng và điệu quá, phải hát lạnh hơn, càng khô càng tốt. Anh còn bảo: “Tôi ghét nhất ca sĩ hát miệng ướt”. Điều này cũng khác biệt vì cô giáo ở trường đều nói về những thứ khác. Hát xong dù khen tôi: “Hôm nay hát tốt rồi”, nhưng anh lại nhắc tôi in đĩa về nghe thử và tuần sau thu tiếp. Tôi thắc mắc về điều đó thì anh cười, nói rằng chỉ là không mắc lỗi thôi chứ chưa đủ chất lượng để đưa vào đĩa. Sau này tôi biết, anh Sơn đã mang đĩa thu demo đó khoe với nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Con bé này giọng nó thổ lắm!”. Không lâu sau đó tôi được gặp nhạc sĩ Nguyễn Cường, hát thử cho ông nghe, ông bảo: “Cháu cứ đi theo trò chú là rất chuẩn”. Tóm lại, từ đó tôi bắt đầu có một tinh thần rất phấn chấn để làm việc.

‘ - Trong lần đầu cộng tác đó, chị được trả cát-sê bao nhiêu?

- Lần cộng tác với anh Sơn, ngoài được hát, động viên, tôi còn rất vui vì đó là lần đầu tôi kiếm ra nhiều tiền. Tôi thu hai bài và được anh Sơn đưa cho 6 triệu đồng. Lúc trước mỗi lần đi thu tôi chỉ nhận được 500.000 đồng/bài. Khi làm việc tôi cũng đoán già, đoán non, chắc anh ấy sẽ đưa mình khoảng 1 triệu đồng một bài đấy. Rồi nhẩm tính, nếu có 2 triệu đồng mình sẽ đóng được tiền nhà hai tháng và cộng thêm được cả tiền ăn nữa. Ai dè, nhận được nhiều tiền thế, tôi thấy rất oách (cười).

Lúc đưa tiền cho tôi, anh Sơn bảo: “Anh là một người sòng phẳng, anh không bắt nạt trẻ con. Số tiền anh đưa em đây có thể em nghĩ ít hoặc nhiều, nhưng đây là giá trị lao động của em, tương lai của em còn kiếm được nhiều hơn nữa. Nếu em là một đứa chăm chỉ và đam mê, câu chuyện kinh tế của em sẽ được giải quyết trong vòng một năm nhất định nào đó, em có thể trở thành một người giàu có bằng giọng hát của mình”.

- Cầm số tiền lớn ngoài sức tưởng tượng của mình, chị làm gì với nó?

- Trời ơi (cười), tôi sướng lắm. Cầm 6 triệu đồng trên tay mà không biết nên làm gì. Về nhà tôi không dám khoe, vì sợ mọi người ở cùng vất vả bao năm cũng chưa kiếm được số tiền nhiều thế. Nhưng vui hơn là sau khi đĩa hát phát hành, tên tôi được nhắc đến trong một bài báo cạnh tên những người mình vô cùng ngưỡng mộ. Tôi thấy mình có một sự khởi đầu thuận lợi và quá hoành tráng (cười). Nếu không gặp Lê Minh Sơn, tôi cũng không biết mình sẽ phấn đấu đến bao giờ.

Tất nhiên, sau này khi hai anh em làm việc chung, nhiều lúc rất căng thẳng. Có thời gian không gặp anh, tôi bị lệch lạc, vì khi đó mình đang tuổi lớn, dễ dàng bị bạn bè lôi kéo. Có lần anh Sơn bảo: “Cô hát thế này không chấp nhận được đâu, cô về và xem lại đi, thế này nguy hiểm quá”. Những lời nhận xét nghiêm khắc đó luôn làm tôi hốt hoảng.

Nhiều khi anh Sơn thương tôi quá mà không biết làm thế nào...

- Có khi nào chị thấy “ghét” cái lão đáng tuổi chú mà phải gọi bằng anh này không?

- Tôi không ghét mà thấy sợ bản thân mình. Bởi cuộc sống của mình, tôi biết chỉ có hát mới cho tôi hy vọng. Mỗi lần anh Sơn khiển trách, về nhà tôi đều trấn tĩnh và nghe lại những gì mình đã thu, cộng với nghe thêm những người mình thích. Tôi thường lấy lại được tinh thần khi nghe nhạc của Whitney Houston hay nghe cô Thanh Lam, anh Tùng Dương, cô Hà Trần.

- Chị vốn là người cá tính khá mạnh, vậy với một người “thầy” như thế, chuyện không vừa lòng có thường xảy ra?

- Tôi nghĩ cũng thỉnh thoảng, mỗi năm khoảng 1-2 lần. Tôi nhớ năm vừa rồi có lần anh ấy nhờ tôi đến thu một bài cho quảng cáo. Do mải chơi, hát xong chính tôi cũng không hiểu tại sao mình hát như con mèo hen, như hết hơi nên ngồi sụp xuống. Nhưng anh Sơn vẫn bảo: “OK, xong rồi, anh nghĩ em chỉ hát được thế này thôi. Anh trả tiền cho em và về nhà em hãy nghe lại, xem mình bị làm sao”. Lần đó, anh Sơn cũng bảo: “Không hát được là do lỗi của em, nhưng anh chọn em vẫn là cái đúng của anh. Anh vẫn mang bản này đi nộp, đây là tiền lương của em”.

- Khi anh Sơn giới thiệu mình là một người tử tế, chị có tin anh ấy?

- Anh Sơn lúc nào cũng nói câu đó. Làm việc cùng nhau tôi thấy anh Sơn là một người rất hiếm. Tôi thích cách anh ấy bảo: “Em vào phòng thu và hát đi”. Rồi có lần khi tôi hát xong ở phòng thu, bên ngoài anh giơ hai ngón tay lên cao rồi nói: “Em hát rất hay, cảm ơn em”. Anh Sơn không bao giờ nói lời nào kiểu như “Em hát chỗ này hơi mạnh”, anh ấy chú trọng cá tính và không gian. Tôi may mắn học được điều này khi làm việc cùng anh ấy.

- Vậy sao quyết định chọn một cuộc thi để bước ra ánh sáng, chị đã không chọn The Voice (Lê Minh Sơn là giám khảo) mà chọn Vietnam Idol?

- Anh Sơn nói với tôi: “Em vào The Voice đi, em yên tâm anh có trong ban giám khảo, nhưng em cũng phải tin một đứa như em không bao giờ người ta gạt bỏ cả”. Em trả lời: “Không phải thế anh ạ, em nhạy cảm, em vẫn cảm thấy bên Vietnam Idol khiến em yên tâm hơn”. Anh Sơn chắc có giận, chỉ bảo “tùy em”.

Quyết định sang Vietnam Idol, tôi mất tích luôn, vì biết anh Sơn đang giận. Vào top 16, tôi chọn hát Em có anh và lọt vào top 10. Hôm sau anh Sơn nhắn: “Anh rất vui vì một đứa mà anh dạy bảo như em đã làm anh mát mặt. Giữ gìn sức khỏe”. Tôi coi đó là một lời động viên để mình tiếp tục.

Tôi vào chung kết, anh Sơn lại nhắn: “Anh không muốn em làm mất cá tính của mình. Có thể em sẽ học hỏi được điều này điều kia nhưng phải biết cái gì trong em là quý. Đừng để mình bị cuốn theo những cái trong showbiz đang có”. Tôi trả lời: “Em sẽ tỉnh táo”. Nhưng tin nhắn đó khiến tôi sợ, vì khi anh ấy cảnh báo rõ ràng mình phải có dấu hiệu gì đó bất ổn.

- Và Vietnam Idol đã mang tới ít nhiều thành công cho chị. Chị cảm ơn cuộc thi này hay cảm ơn người đã giúp mình đi tới một khởi đầu tốt lành đó?

- Tôi thấy mình có một sự khởi đầu thuận lợi và quá hoành tráng (cười). Nếu không gặp Lê Minh Sơn, tôi cũng không biết mình sẽ phấn đấu đến bao giờ.

Có nhiều người giúp đỡ tôi, trong đó có thầy Vinh (nhạc sĩ Quang Vinh), thầy Thuyên (nhạc sĩ An Thuyên) đã phát hiện ra tôi từ vùng cao và mang tôi về Hà Nội, tạo cho tôi nhiều cơ hội được diễn. Nhưng trong tôi lúc này rõ nét nhất là anh Sơn. Tôi cảm nhận anh ấy rất thương yêu và quý mến tôi. Nhiều lúc thương quá mà anh không biết làm thế nào.

- Chị nghĩ tại sao anh Sơn thương mình nhiều đến vậy?

- Nếu là người ở lứa đi trước tôi cũng sẽ thương những người ở lứa như tôi bây giờ. Tôi may mắn có anh Sơn thương mến. Có thể ngay lập tức tôi chưa có sản phảm tốt với Lê Minh Sơn, nhưng đến giờ phút này tôi vẫn phải nói lời cảm ơn người bạn lớn ấy.

Nói là vậy, nhưng từ khi thi Vietnam Idol về tôi vẫn chưa gặp anh ấy. Tôi cảm nhận anh ấy đang giận mình điều gì đó. Tôi cũng sẽ im lặng, vì tôi nghĩ cách đền ơn anh ấy bây giờ là sống thật tốt, lựa chọn những bước đi thật đúng.

- Dù giận nhưng anh ấy vẫn nhắn tin cho chị vào đêm chiến thắng?

- Không, mấy ngày sau anh ấy mới nhắn. Anh Sơn là người giấu cảm xúc rất tốt. Anh ấy ầm ầm vậy thôi, nhưng có những điều để mãi sau này viết ra thành vài chữ. Nhưng chỉ cần vài chữ là tôi có thể hiểu cả chuỗi sự việc đã trôi đi.

Cứ cảm thấy không an toàn, tôi lại gọi anh Sơn

- Với một cô gái đến từ miền núi trung du 16 tuổi như chị, có khi nào chị cảm thấy khó xử khi quen với một “người lớn” như Lê Minh Sơn?

- Tôi cũng e sợ lúc đầu vì người này nhìn “ghê” quá. Anh Sơn có cách nói chuyện và vẻ bề ngoài chủ động, thống lĩnh mọi thứ (cười). Nhưng tôi cứ ngồi nghe, rồi cảm thấy rất thích thú. Tôi chưa có cảm giác bị cái gì đó làm cho bất an kể cả về khía cạnh tình cảm cá nhân. Lúc mới gặp, anh ấy hay nói: “Con bé này ngồi xa tao ra, toàn mùi trẻ con, đợi lúc nào qua 18 tuổi nói chuyện”.

Trong thời gian chờ 18 tuổi đó, anh ấy cho tôi nhiều thứ, về gu nhạc, về tất cả những cái tôi nghĩ là cần thiết để mình lớn lên có thể có một tư duy tốt. Đến bây giờ tôi cảm thấy anh ấy dường như là người trong nhà mình, đến nỗi có bất cứ chuyện gì tôi phải hỏi anh Sơn ngay. Chẳng hạn tôi kể chuyện bị cô giáo mắng, anh Sơn bảo: “Đó là chuyện nhảm nhí em ạ. Em làm sao mà bị mắng được, đừng tin mấy lời mắng đấy nhá, em chẳng có điểm gì để người ta có thể chê đâu”. Tôi nghe xong thì sướng, lại cười. Có nhiều chuyện nói với anh Sơn còn hơn cả gọi cho ba mẹ nữa. Nếu phải đi uống rượu với các nghệ sĩ mà thấy không yên tâm thì cứ ngồi cạnh anh Sơn là được. Anh ấy đứng dậy, tôi đứng theo và anh ấy chở tôi về nhà. Và thành thói quen, lần nào cảm thấy có điều gì không an toàn tôi đều gọi anh Sơn cả.

- Thế khi hết “mùi trẻ con”, anh ấy đối xử với chị thế nào?

- Cuộc sống của một người như tôi có nhiều khi thấy rất nản, nhưng chỉ cần gặp anh Sơn, nói chuyện một cái là sau đó tôi lại “hoành tráng” luôn. Tôi vẫn thường bảo anh ấy là kho sách của mình.

Cũng gần một năm rồi tôi không gặp anh Sơn. Trước đó, tôi mới chụp bộ hình, anh ấy coi và nói: “Thôi chết, con bé này người lớn rồi”. Có lần lại bảo: “Đừng có khinh anh nhé, như mấy chị ca sĩ trước khinh anh lắm”. Rồi có lần anh ấy hỏi: “Giờ lớn rồi, thấy anh Sơn thế nào, thích anh Sơn không?”, tôi trả lời “Không”. Anh ấy lại cười: “Anh đàn ông ngời ngời thế này, mày không có cảm giác gì. Không có vấn đề gì về giới tính chứ?”, tôi lại lắc đầu. Anh Sơn biết tại sao nên từng nói: “Anh biết vì sao rồi, vì giống như người nhà, không còn cảm giác gì gọi là thích nhau nữa, tất cả mọi thứ đã trở nên quen thuộc”. Tôi nghĩ như thế có lẽ đúng. Anh Sơn trừ lúc làm việc ra, với tôi không phải là một nhạc sĩ mà là một người anh. Lúc cần tôi đều có thể tìm đến.

Cuộc sống của một người như tôi có nhiều khi thấy rất nản, nhưng chỉ cần gặp anh Sơn, nói chuyện một cái là sau đó tôi lại “hoành tráng” luôn. Tôi vẫn thường bảo anh ấy là kho sách của mình.

- Chị nói về “người đàn ông hoành tráng” khiến tôi còn thấy bị cảm động rồi đấy. Vậy mà sau thành công chị đã không tìm gặp anh ấy, dù chỉ để nói một lời cảm ơn sao?

- Khi tôi đi thi, anh Sơn bảo: “Hãy cứ đi và cảm nhận cuộc sống như thế, em sẽ gặp những người này người kia. Có những người sẽ rất hay và cũng có những người không ra gì”. Còn tôi nghĩ, tại sao cứ phải là anh Sơn khi nói đến âm nhạc hay công việc. Lớn lên tôi cũng muốn tách anh Sơn để xem mình là một tôi thế nào. Tôi rất muốn biết một mình thì sẽ ra sao.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước