Đối tượng lừa đảo chuyển khoản rất nhanh, tiền thu hồi lại rất ít
Thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào chiều 10/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung (TP Hà Nội) – Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng tới tình trạng sở hữu chéo, thao túng lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại.
Đại biểu cho rằng cần nghiên cứu bổ sung thêm các quy định, tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị điều hành để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cần nghiên cứu, đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp để quản lý, kiểm soát việc lách luật, sử dụng nhiều cá nhân pháp nhân khác đứng tên cổ phần tạo nhóm cổ đông lớn để điều hành các tổ chức tín dụng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung (TP Hà Nội)
Về vấn đề cung cấp thông tin cho các cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm, ĐBQH TP Hà Nội đánh giá các quy định trong dự thảo Luật chưa đáp ứng yêu cầu về mặt thời gian trong thực tiễn của công tác phòng chống tội phạm, nhất là phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo trên không gian mạng.
"Tình hình tội phạm sử dụng không gian mạng và công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Khi tội phạm xảy ra, lực lượng công an phải nhanh chóng triển khai truy xét dòng tiền và phong tỏa tài khoản. Tuy nhiên, với các quy định pháp luật hiện hành thì không đáp ứng được yêu cầu ngăn chặn kịp thời về chuyển tiền vào các đối tượng" - đại biểu Nguyễn Hải Trung cho biết thêm các đối tượng này chuyển tiền rất nhanh nên tiền thu hồi rất ít so với số tiền người dân bị lừa.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng cần thiết ban hành quy định và rút ngắn về thời gian cung cấp thông tin tài khoản khách hàng để phục vụ công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và có thể giao Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hải Trung cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, cần phải rà soát luật hóa các quy định tính chính danh của tài khoản tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; hoàn thiện đồng bộ các văn bản hướng dẫn đảm bảo hiệu lực thi hành tại các văn bản quy phạm pháp luật phải liên thông với nhau, hỗ trợ việc xác định tính chính danh.
Đồng thời trong luật này cần có quy định cụ thể về các điều kiện bắt buộc các tổ chức tín dụng phải có nền tảng công nghệ, cơ sở vật chất trong nhận diện khách hàng để đảm bảo tính chính danh; yêu cầu tổ chức tín dụng có trách nhiệm rà soát, phát hiện và phối hợp với cơ quan Công an, các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về tài khoản không chính danh.
Đại biểu Nguyễn Hải Trung cũng đề nghị không quy định Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền điều tra vi phạm pháp luật về lĩnh vực ngân hàng do đây là nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp.
Cần chấm dứt tình trạng sở hữu chéo chứ không phải hạn chế
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai) - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là hết sức cần thiết, nhất là vào thời điểm hiện nay.
Đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung đề phòng rủi ro cho hệ thống. Từ sự kiện của SCB hay tại Mỹ dù sở hữu hệ thống ngân hàng mạnh vừa qua, đại biểu cho rằng cần thiết kế thêm các quy định đề phòng rủi ro mang tính chất hệ thống, để khi xảy ra sự cố thì hệ thống có thể chống đỡ hiệu quả ngay.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng quan tâm đến việc xử lý sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng.
"Cần chấm dứt tình trạng sở hữu chéo chứ không phải hạn chế. Đây là việc rất được quan tâm. Việc sở hữu chéo ai cũng nhân ra, ai cũng biết nhưng để nêu tên, chỉ mặt đặt tên thì rất khó" – ông An cho biết.
Đại biểu Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai)
Đại biểu cho rằng, các chính sách hiện nay chưa đủ mạnh mà chủ yếu nhằm giảm tỷ lệ cổ phần.
"Các giải pháp trong dự thảo luật còn thụ động, chưa hiệu quả. Việc chấm dứt sở hữu chéo liên quan đến việc công khai, minh bạch, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm. Cần thiết đặt lại mô hình cơ quan giám sát, kiểm tra tài chính liên quan đến ngân hàng" - đại biểu Trịnh Xuân An đề xuất.
Đại biểu cũng cho rằng, vụ việc của SCB hay nhiều vụ việc khác cũng liên quan tới vấn đề thanh tra, kiểm tra lĩnh vực ngân hàng. Những nội dung này trong dự thảo luật mới chỉ là 1 Điều và đại biểu An cho rằng cần 1 Chương quy định nội dung này. Cần có một cơ quan thanh tra, kiểm tra ngân hàng mang tính độc lập.
"Nếu làm tốt khâu thanh tra, kiểm tra, xử lý và công khai, minh bạch trong giao dịch thì không nhất thiết chúng ta phải giảm tỷ lệ cổ phần, giảm ‘room’ cấp vốn thậm chí cho cao hơn. Chúng ta quản lý được thì tổ chức, cá nhân không dám thực hiện các hành vi sử dụng tài khoản ngân hàng chéo với công ty của mình. Tôi cho rằng cần phải có thiết chế mạnh mới có thể xử lý nghiêm được" – ông Trịnh Xuân An cho biết.
Ông An cũng cho rằng cần rà soát xem số lượng 50 ngân hàng hiện tại có quà nhiều không hay có nguy cơ dẫn đến sở hữu chéo, rủi ro trên hệ thống và đề xuất phải có các giải pháp kỹ thuật để giới hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!