Cảnh báo thủ đoạn lừa tiền tỷ qua điện thoại và mạng Internet

Ban Thời sự/TTXVN-Chủ nhật, ngày 15/10/2023 06:50 GMT+7

VTV.vn - Hai vụ lừa đảo hơn 300 triệu đồng và hơn 1 tỷ đồng liên tiếp xảy ra ở huyện Đắk Hà, Kon Tum những ngày qua.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là gọi điện thoại, xưng công an, yêu cầu người nghe phải làm theo. Hoặc có người bị lừa tham gia trò chơi bình chọn ca sĩ trên mạng, liên tục nộp tiền khi có yêu cầu. Những thủ đoạn này không mới, dù đã được các cơ quan chức năng khuyến cáo nhiều nhưng vẫn có người mắc bẫy.

Theo đơn trình báo của ông L.V.L. (50 tuổi) công tác tại Trường Trung học cơ sở ở thị trấn Đăk Hà, ngày 5/10, một đối tượng gọi điện thoại tự xưng trung úy Công an tỉnh Kon Tum. Đối tượng nói có người đánh cắp thông tin số căn cước công dân của ông L. để mở tài khoản ngân hàng, buôn bán ma túy bất hợp pháp tại Hà Nội. 

Theo sự hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo, ông L.V.L. mua điện thoại, sim mới. Tiếp đến, chúng yêu cầu ông L. chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng đang dùng và dặn không được đăng nhập vào số tài khoản ngân hàng trên trong 3 ngày. 

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn liên tục gọi điện yêu cầu ông L. vay thêm tiền để nạp vào tài khoản mình. Tổng số tiền ông L. nạp vào tải khoản của mình là 1,1 tỷ đồng. Ngoài ra, chúng còn yêu cầu thầy L.V.L nộp thêm 200 triệu để thuê luật sư…. Sau khi vợ ông L. biết, khi kiểm tra tài khoản, số tiền trên đã mất hết.

Trong tháng 10, một phụ nữ ở Đăk Hà cũng bị lừa đảo hàng trăm triệu đồng trên mạng. Theo đơn trình báo của chị H.T.T.S, ngày 9/10, chị S. tham gia đăng ký bình chọn ca sĩ, ban đầu nộp 300.000 đồng để đổi điểm bình chọn cho ca sĩ theo yêu cầu của công ty (có được trả tiền thưởng). Sau đó, số tiền bình chọn lớn dần lên đến 100 triệu. Sau khi nộp, chị S. yêu cầu trả lại tiền thì đối tượng lừa đảo yêu cầu phải nộp hơn 220 triệu đồng thì mới trả lại số tiền mà chị S. đã nộp. Sau khi trao đổi, một người của công ty có nói sẽ cho mượn 50 triệu và họ nộp số tiền trên vào tài khoản công ty, còn chị S. phải nộp thêm hơn 170 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi chị S. nộp xong, các đối tượng lừa đảo nói nộp sai ID với tên đăng ký ban đầu nên cần nộp thêm hơn 275 triệu để được thanh toán lại 800 triệu đồng. Sau khi chị S. không có tiền nộp, chúng liên tục hối thúc. Biết mình bị lừa nên chị S. làm đơn trình báo cơ quan chức năng.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước