Cuối năm là thời điểm các loại tội phạm gia tăng hoạt động, trong đó tội phạm lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp với những thủ đoạn tĩnh vi. Đáng chú ý là các chiêu trò lừa đảo mạo danh vẫn liên tục biến tướng, khiến người dân phải nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo mật thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như thẻ CCCD và tài khoản ngân hàng.
Mới đây, tại thị trấn Triệu Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hoá, một vụ việc lừa đảo giả danh công an đã bị ngăn chặn kịp thời. Đối tượng đã gọi điện cho chị Lê Thị Hương, tự xưng là công an và báo rằng thông tin căn cước công dân của chị bị sai lệch, yêu cầu chị xác nhận thông tin qua điện thoại. Tuy nhiên, nhờ cảnh giác cao, chị Hương đã liên hệ trực tiếp với công an huyện Triệu Sơn để trình báo sự việc.
Theo thượng tá Lê Văn Đức, Phó Trưởng Công an huyện Triệu Sơn: "Nhờ công tác tuyên truyền hiệu quả, người dân đã nâng cao tinh thần cảnh giác, ước tính số tiền bị lừa đảo đã ngăn chặn được lên đến 10 tỷ đồng."
Từ năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra hơn 200 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, trong đó công an đã khởi tố gần 70 vụ án. Theo các cơ quan chức năng, tội phạm công nghệ cao sử dụng 26 phương thức, thủ đoạn khác nhau, tập trung vào ba yếu tố chính: sự thiếu hiểu biết của người dân, sự sợ hãi và lòng cả tin.
Ông Đỗ Hữu Quyết, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hoá, nhận định: "Do người sử dụng chưa nắm được công nghệ, kỹ năng việc thực hiện trên mạng nhiều khi vào trang web đã được cài sẵn mã độc, khi vào không cẩn thận sẽ bị mã độc chiếm đoạt, lợi dụng để lấy thông tin, như mã OTP, căn cước công dân của mình".
Cơ quan chức năng cho biết, việc lấy lại số tiền bị lừa đảo trên không gian mạng, điện thoại rất khó khăn do các đối tượng xấu này hầu hết ở nước ngoài. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác, để không mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!