Ghi nhận thực tế cho thấy, ngay cả những người có trình độ chuyên môn, môi trường làm việc hàng ngày thường xuyên phải khuyến nghị những người xung quanh về các chiêu trò lừa đảo qua mạng cũng có thể mắc lừa.
Mong muốn có một công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn, người phụ nữ đang là nhân viên chăm sóc khách hàng của một ngân hàng đã đăng ký qua mạng để ứng tuyển vị trí giám đốc quản lý dự án của một ngân hàng khác. Chị kể lại, các đối tượng nhắn tin, gọi điện thông báo lịch hẹn phỏng vấn online, sau đó dẫn dụ chị nạp tiền, đầu tư vào nhiều dự án để minh chứng thực lực chuyên môn. Tin vào lời hứa, tiền đầu tư chắc chắn sẽ sinh lời cùng với mức lương cao của vị trí việc làm mà mình ứng tuyển, chị đã bị lừa mất gần 2 tỷ đồng
"Họ đưa ra rất nhiều lý do để trì hoãn trả cho tôi những khoản tiền tôi đã đầu tư vào đó. Sau rất nhiều lần như thế, tôi mới biết mình đãi bị lừa", nạn nhân kể lại.
Hai tháng trở lại đây, Công quận Long Biên (Hà Nội) đã tiếp nhận hơn chục trường hợp trình báo bị lừa đảo tuyển dụng việc làm.
Một nạn nhân khác đã viết đơn gửi cơ quan công an. Chị kể lại, nghe lời người quen mách bảo, làm công nhân khu công nghiệp thu nhập tốt hơn làm ruộng ở quê, chị đã lên mạng tìm kiếm thông tin tuyển dụng. Thấy có một công ty cần người đóng đồ hộp công xuất khẩu, chị đã nộp đơn ứng tuyển.
"Một người gọi điện và gửi cho em đường link bảo em truy cập vào để nhận bộ câu hỏi. Em đã làm ngay và sau đó chuyển khoản cho họ 3 triệu đồng. Đến hẹn đi phỏng vấn, em tới trụ sở đó thì nhân viên ở đấy bảo không có bất cứ thông tin tuyển dụng nào. Lúc đó em mới biết mình đã bị lừa", nạn nhân cho biết.
Hai tháng trở lại đây, Công quận Long Biên (Hà Nội) đã tiếp nhận hơn chục trường hợp trình báo bị lừa đảo tuyển dụng việc làm. Cơ quan Công an nhận định, những bài đăng thông tin tuyển dụng hay website giả mạo xuất hiện tràn lan trên mạng, các đối tượng lừa đảo lập ra nhiều hội nhóm, fanpage tuyển dụng việc làm, bình luận về các trường hợp trúng tuyển không có thật. Mục đích là để tạo lòng tin, dẫn dụ những người có nhu cầu tìm việc lạc vào mê cung của nhiều màn kịch lừa đảo.
"Mỗi đối tượng đảm nhiệm một vai trò khác nhau. Đối tượng làm nhân viên tư vấn, đối tượng thì làm giám đốc quản lý dự án... dẫn dụ nạn nhân truy cập vào những trang web hay các ứng dụng chúng chuẩn bị sẵn từ trước để nhập các thông tin vào đó nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn (Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Long Biên, Hà Nội) cho hay.
Còn theo các chuyên gia an ninh mạng, kẻ xấu thường thuê những tên miền gần tương đồng với các tên miền của các website chính thống để người dân nếu không để ý kỹ sẽ rất dễ mắc lừa.
"Đây là những tên miền được thuê ở nước ngoài, kết thúc bằng đuôi như .org. Đặc biệt, máy chủ được đặt ở nước ngoài, các hacker có toàn quyền điều khiển những máy chủ này. Trong trường hợp xảy ra các vụ việc lừa đảo, các cơ quan chức năng rất khó có thể tiếp cận các máy chủ này", anh Vũ Ngọc Sơn (Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam) chia sẻ.
Nhận diện bẫy lừa tuyển dụng
Vậy bằng cách nào để phòng tránh từ xa những bẫy lừa đảo tuyển dụng việc làm đang xuất hiện tràn lan trên mạng? Khi những màn kịch lừa đảo tuyển dụng ngày càng tinh vi, nếu không may tiếp cận với các đối tượng lừa đảo, người dân cần những kỹ năng gì để không bị thao túng tâm lý và nhanh chóng nhận diện những kẻ lừa đảo đội lốt những nhân viên tuyển dụng?
Microsoft Teams, Google Meet hay Zoom..., những ứng dụng tổ chức họp trực tuyến rất thông dụng. Tuy nhiên theo cảnh báo của Cục An toàn thông tin, đây thường là những công cụ được kẻ xấu sử dụng để dẫn dụ các bị hại tham gia và bị cuốn theo các màn kịch lừa đảo.
Đó là các buổi tuyển dụng trực tuyến giả mạo có nhiều người cùng tham gia phỏng vấn ứng viên. Mỗi đối tượng trong vai một nhân viên tuyển dụng sẽ thay nhau dẫn dụ để thao túng tâm lý nạn nhân.
"Đối tượng có thể dễ dàng tìm kiếm những thông tin người dân để lại trên các trang tuyển dụng hay website, từ đó các đối tượng sẽ thu thập thông tin, lập danh sách, sau đó giả mạo công ty tuyển dụng. Người dân chỉ cần thiếu cảnh giác, không kiểm tra lại thông tin tuyển dụng thì có thể dính vào bẫy và sẽ làm theo những yêu cầu của các đối tượng lừa đảo. Do đó người dân nên cảnh giác", anh Nguyễn Phú Lương (Phó Giám đốc Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Bộ Thông tin và truyền thông) nhận định.
Để không bị sập bẫy lừa tuyển dụng, người dân cần hết sức lưu ý khi truy cập vào các website, đặc biệt là phải để ý kỹ các tên miền của website khi đăng ký tuyển dụng; đề cao cảnh giác với các thông tin tuyển dụng có thu phí; nên kiểm tra thông tin tuyển dụng bằng nhiều kênh và tốt nhất nên đến tận nơi tham gia phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp
"Đối với những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng, thực chất họ rất mong muốn tìm kiếm lao động chứ không bao giờ thu phí. Người lao động cần đến các các phiên giao dịch việc làm do các trung tâm trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức. Tại đây, người lao động được tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp và phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp. Các vị trí việc làm rõ ràng. Các doanh nghiệp cũng đều sàng lọc cụ thể, kiểm duyệt và đảm bảo chế độ quyền lợi với người lao động", ông Vũ Quang Thành (Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội) cho hay.
Dưới góc độ pháp lý, hành vi đăng tải thông tin tuyển dụng giả mạo để lừa đảo có thể bị xử phạt theo qui định tại Nghị định 15 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện. Mức phạt có thể đến 10 triệu đồng với cá nhân và 20 triệu đồng với tổ chức. Hành vi này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!