Cao điểm xử lý vi phạm về pháo nổ
Lợi dụng thời điểm cận Tết Nguyên đán, một số đối tượng đã sản xuất và vận chuyển pháo nổ vào thị trường Hà Nội để tiêu thụ. Dù bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vì lợi nhuận và thiếu hiểu biết, nhiều đối tượng vẫn bất chấp để tiếp tay cho hành vi sản xuất và kinh doanh pháo nổ bằng nhiều thủ đoạn khác nhau.
Giấu pháo nổ trong các thùng hoa quả để vận chuyển về thị trường nội địa tiêu thụ hay tinh vi hơn là cất giấu trong quần áo rồi gửi chuyển phát nhanh cho khách liên tỉnh. Đây là một vài thủ đoạn hay được các đối tượng sử dụng để vận chuyển và kinh doanh pháo nổ.
Do thiếu hiểu biết, một số đối tượng còn vô tình tiếp tay cho hành vi buôn bán, sản xuất pháo nổ khi tìm mua các sản phẩm này qua mạng xã hội. Theo lời khai của nhiều đối tượng, do không hiểu biết về pháp luật nên đã tìm mua pháo của những đối tượng quen biết với giá gần 3.000 đồng về để đốt dịp Tết.
Bên cạnh pháo, thời gian gần đây, nhiều sản phẩm máy hút thuốc lá điện tử và các loại phụ kiện cũng được lén lút nhập lậu về Việt Nam. Vì là hàng nhập lậu nên không được cơ quan chức năng giám sát kiểm định và những sản phẩm này có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người dùng.
Thời điểm cận Tết nguyên đán 2023, dự báo tình hình các loại tội phạm liên quan đến các mặt hàng này sẽ còn phức tạp hơn, lực lượng chức năng sẽ tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh, kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ địa bàn cơ sở.
Tăng cường chống buôn lậu dịp cận Tết
Không chỉ có mặt hàng pháo, Tết Nguyên đán đến gần cũng là thời điểm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao nhất trong năm. Lợi dụng điều này hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ càng sát Tết càng diễn ra phức tạp. Điều này khiến cho các lực lượng chức năng phải tăng cường các biện pháp phòng chống từ khâu buôn lậu, cho đến sản xuất hàng giả, hàng nhái, nhất là ở những thành phố lớn, nơi người dân có nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cao như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Chỉ trong hơn tháng qua, đã có gần 590 vụ vi phạm liên quan đến sản xuất hàng giả, gian lận thương mại của các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được phát hiện. Những nhóm hàng bị vi phạm trong dịp cuối năm tập trung chủ yếu là quần áo, mỹ phẩm, các mặt hàng tiêu dùng, thuốc chữa bệnh và các loại thực phẩm phục vụ cho dịp Tết.
Không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, nhận định, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả sẽ tiếp tục gia tăng trên toàn quốc vào thời điểm những ngày cận Tết, Tổng cục Quản lý thị trường đã triển khai nhiều biện pháp để chủ động, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm.
Tổng cục QLTT cũng đã ban hành kế hoạch tháng cao điểm, tập trung vào các tháng trước và sau Tết để chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao, tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!