Chế định Thừa phát lại đã có từ lâu đời tại một số quốc gia trên thế giới. Tại miền Nam, hoạt động này đã được áp dụng trước 30/4/1975. Ngày nay, theo yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp, góp phần làm cho nền hành chính tư pháp phù hợp và đáp ứng tốt hơn sự phát triển của kinh tế thị trường định hướng XHCN và dân chủ hóa đời sống xã hội, Chế định Thừa phát lại tiếp tục được nghiên cứu thực hiện và tổ chức thí điểm tại một số địa phương.
Chế định này gồm các chức năng: Thực hiện việc tống đạt các văn bản theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự; Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; Xác minh điều kiện thi hành án dân sự theo yêu cầu của đương sự và trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Trong bối cảnh nhiều người dân không muốn mất thời gian khi mà họ không am hiểu luật pháp trong lĩnh vực tư pháp, hoạt động của các văn phòng thừa phát lại trong thời gian vừa qua đã được người dân ghi nhận.
Tuy nhiên, theo đại diện của các văn phòng thừa phát lại, vì đang trong giai đoạn thí điểm nên chức năng thi hành án dân sự của văn phòng này còn hạn chế.
Với mục tiêu góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong đời sống dân sự, trong quan hệ với cơ quan Nhà nước và trong quá trình tố tụng giúp giảm tải công việc cho Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, tạo điều kiện để hoạt động tư pháp đúng luật, nhanh, hiệu quả hơn. Tại phiên họp thẩm tra báo cáo hoạt động thí điểm thừa phát lại của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 16/9 vừa qua, ông Nguyễn Sơn, Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho rằng, để chế định này thực sự phát huy hết hiệu quả thì việc sớm xây dựng Luật Thừa phát lại là cần thiết.
“Có rất nhiều luật liên quan đến thừa phát lại, ví dụ thủ tục tống đạt. Quốc hội đang chỉ đạo cho thí điểm. Liên quan đến người tống đạt là ai ở trong tố tụng, tại sao Bộ Tư pháp đề nghị xây dựng luật, bởi lý do là xây dựng luật rồi thì các luật khác phải sửa cho phù hợp với luật này, nếu không lúc thực hiện sẽ vướng” - ông Nguyễn Sơn cho biết.
Sau gần 2 năm thực hiện thí điểm, báo cáo tổng kết của Chính phủ đã đánh giá cao hoạt động của thừa phát lại trong thời gian qua. Chế định Thừa phát lại cũng sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10 tới.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!