Mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần tuyên truyền, thông báo về phương thức, thủ đoạn và biện pháp phòng ngừa loại tội phạm này trên các phương tiện thông tin đại chúng, vẫn có không ít người dân nhẹ dạ, cả tin trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
Không chỉ ở các tỉnh, thành phố phía Nam, chiêu trò mạo danh công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng có dấu hiệu diễn biến phức tạp ở các tỉnh thành phía Bắc. Tại tỉnh Hà Nam, cơ quan công an đã ghi nhận nhiều trường hợp người dân ở khu vực nông thôn đã bị các đối tượng lừa đảo "đưa vào tầm ngắm" và có chung thủ đoạn mạo danh công an.
Công an huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam nhận định, các đối tượng mạo danh công an để lừa đảo đang có dấu hiệu chuyển hướng hoạt động về các địa bàn nông thôn.
Thủ phạm thực hiện các vụ mạo danh cán bộ công an để lừa đảo rất khó bi phát hiện, điều tra, xử lý vì các đối tượng này thường không trực tiếp xuất hiện mà thực hiện hành vi lừa đảo thông qua điện thoại với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó, những trường hợp "rơi vào tầm ngắm" của các đối tượng lừa đảo thường có tâm lý ngại mang tiếng liên quan tới vụ việc, vụ án đang điều tra nên rất dễ bị mắc lừa. Do vậy, người dân cần đề cao cảnh giác.
Giả danh là công an điều tra, đối tượng Trần Trung Can (tỉnh Kiên Giang) nhiều lần hỏi mượn tổng số tiền 10.000 USD và 43 triệu đồng của nạn nhân. (Ảnh: TTXVN)
Thượng tá Đỗ Hoài Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, đã đưa ra những dấu hiệu nhận biết về các đối tượng mạo danh công an và đưa ra những lời lẽ dọa nạt nhằm chiếm đoạt tài sản:
1. Trang phục, tác phong không đúng chuẩn mực.
2. Thường có biểu hiện khoe khoang, quen biết người trong ngành.
3. Sử dụng công nghệ cao để ẩn danh, giả mạo số điện thoại.
4. Thông báo người dân liên quan đến các vụ việc, vụ án để chiếm đoạt tài sản.
Để phòng ngừa các đối tượng mạo danh công an để lừa đảo, người dân cần có những biện pháp sau:
1. Cảnh giác khi nhận điện thoại từ người tự xưng là công an.
2. Từ chối làm việc qua điện thoại.
3. Không đăng tải lên mạng xã hội hay cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ.
4. Yêu cầu xuất trình giấy Chứng minh Công an nhân dân.
5. Xác minh nhanh bằng cách gọi tới đường dây nóng.
6. Thông báo cho cơ quan công an về nghi vấn.
Ngoài thủ đoạn giả mạo công an, các đối tượng còn giả danh là người quen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các cơ quan phụ trách những lĩnh vực trọng yếu để lừa đảo. Nếu gặp phải những cuộc gọi có người tự xưng như vậy, người dân không nên làm theo các yêu cầu của người gọi mà cần nhờ sự hỗ trợ xác minh của công an khu vực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!