Đại án đăng kiểm: Nhiều bị cáo thừa nhận hành vi nhận hối lộ

PV-Thứ ba, ngày 30/07/2024 09:10 GMT+7

Nguyễn Đình Quân - Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-05V. (Ảnh: PLO)

VTV.vn - Các cựu giám đốc trung tâm đăng kiểm khối V thừa nhận chỉ đạo nhân viên nhận tiền của chủ phương tiện, bỏ qua lỗi, để đưa cho cấp trên.

Ngày 29/7, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo là ban giám đốc, các đăng kiểm viên của các trung tâm đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm, Chi cục Đăng kiểm địa phương.

Theo cáo trạng, trong số 4 trung tâm đăng kiểm khối V bị xử lý về hành vi nhận hối lộ, Trung tâm 50-05V bị cáo buộc nhận số tiền hối lộ nhiều nhất (hơn 38 tỷ đồng).

Trung tâm Đăng kiểm 50-05V có 2 chi nhánh (Cơ sở An Phú Đông, Quận 12 và Chi nhánh Hồng Hà, quận Tân Bình) với tổng cộng 6 dây chuyền đăng kiểm. Từ năm 2014 đến năm 2022, tổng số phương tiện kiểm định tại trung tâm này là 312.642 phương tiện các loại.

Trong quá thực hiện kiểm định, các đăng kiểm viên tại Cơ sở An Phú Đông đã nhận hối lộ số tiền là 11,4 tỷ đồng; riêng trong giai đoạn từ tháng 6/2022 đến tháng 11/2022 nhận hối lộ 582 triệu đồng.

Tại chi nhánh Hồng Hà, từ năm 2015 đến tháng 5/2022, các đăng kiểm viên đã nhận hối lộ 26,5 tỷ đồng; riêng trong giai đoạn từ tháng 6/2022 đến tháng 11/2022, chi nhánh này đã nhận hối lộ là 1,24 tỷ đồng.

Do để xảy ra sai phạm nhận hối lộ trong quá trình đăng kiểm, bị cáo Nguyễn Đình Quân (Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-05V từ năm 2014 đến tháng 5/2022) phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi "Nhận hối lộ" đối với toàn bộ số tiền nhận hối lộ gần 38 tỷ đồng tại 2 chi nhánh, trong đó bản thân bị cáo Quân được hưởng lợi hơn 2,4 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Đình Quân khai bản thân biết hành vi nhận hối lộ của các đăng kiểm viên nhưng đã làm ngơ để "anh em kiếm thêm thu nhập" cũng như để trung tâm có thêm tiền trang trải hoạt động.

Tuy nhiên, Nguyễn Đình Quân cho biết bản thân không chủ động chỉ đạo cho nhân viên nhận tiền của chủ phương tiện hay ăn chia số tiền nhận hối lộ.

Quân thừa nhận bản thân biết số tiền này là do các chủ phương tiện bồi dưỡng cho các đăng kiểm viên nhưng cho rằng do các đăng kiểm viên tự nhận tiền của chủ phương tiện rồi tự đưa lại cho mình.

Quân cũng thừa nhận đã nhận số tiền hưởng lợi hơn 2,4 tỷ đồng từ các đăng kiểm viên và xin chịu trách nhiệm với góc độ là người đứng đầu trung tâm.

Còn bị cáo Trần Anh Tú (Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-05V từ tháng 7/2022 cho đến khi bị bắt tháng 10/2022) bị cáo buộc tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi "Nhận hối lộ" tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V với tổng số tiền nhận hối lộ 1,8 tỷ đồng.

Tại tòa, Trần Anh Tú trình bày, bị cáo về làm việc tại trung tâm 50-05V tại thời điểm chi nhánh An Phú Đông sắp hết hạn hợp đồng thuê, trong khi đó chi nhánh Hồng Hà bị bên cho thuê yêu cầu tăng giá nên trung tâm gặp áp lực về mặt tài chính. Trước tình hình đó, bị cáo Tú tập trung tìm kiếm hợp đồng mới hoặc gia hạn hợp đồng để hỗ trợ trung tâm.

Về việc nhận tiền của các đăng kiểm viên, Trần Anh Tú cho biết sự việc này đã diễn ra trước đó, bị cáo chỉ tiếp nhận chủ trương đã có tại trung tâm. Việc tiếp nhận chủ trương là hội ý với các đăng kiểm viên và chỉ đạo trực tiếp bằng miệng. Hiện bị cáo Trần Anh Tú đã nộp khắc phục 285 triệu đồng.

Tại Trung tâm Đăng kiểm 50-06V, cơ quan công tố xác định, cựu Giám đốc Nguyễn Thanh Long cùng 2 phó giám đốc đã thống nhất chỉ đạo đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ để bỏ qua lỗi của các phương tiện đăng kiểm.

Đối với xe ô tô con dưới 9 chỗ hoặc từ 9 - 16 chỗ, trung tâm này sẽ thu số tiền từ 100.000 - 150.000 đồng/xe/lượt kiểm định; xe ô tô từ 16 chỗ đến 45 chỗ thu 200.000 đồng/xe/lượt kiểm định; xe ô tô tải dưới 5 tấn thu 200.000 đồng/xe/lượt kiểm định; xe ô tô tải trên 5 tấn thu 300.000 đồng/xe/lượt kiểm định...

Nguyễn Thanh Long chỉ đạo khi có xe vào trung tâm đăng kiểm, nếu xe có để tiền thì sẽ bật đèn chiếu sáng trước và mở đèn cảnh báo nguy hiểm, khi đến công đoạn 3, đăng kiểm viên xác định xe có để sẵn tiền hối lộ thì sẽ tắt đèn cảnh báo nguy hiểm.

Nếu trên xe không có để sẵn tiền hối lộ thì đăng kiểm viên vẫn để đèn cảnh báo nguy hiểm mở để các đăng kiểm viên khác biết nếu có lỗi sẽ không kiểm định đạt.

Ngoài ra, Long còn chỉ đạo nhận tiền tập trung vào các xe của Công ty dịch vụ công ích, các đối tượng môi giới có quan hệ quen biết…

Từ tháng 8/2018 tháng 10/2022, Trung tâm Đăng kiểm 50-06V đã nhận hối lộ tổng cộng hơn 18,8 tỷ đồng. Số tiền này bị cáo Long chỉ đạo chi một phần cho sinh hoạt chung của các nhân viên, một phần chia nhau chiếm hưởng, còn lại chi cho lãnh đạo.

Trong đó, số tiền chi cho cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà là 234 triệu đồng, chi cho cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình hơn 250 triệu đồng (tương đương 11.000 USD).

Hàng tháng khi được triệu tập ra Cục Đăng kiểm Việt Nam dự họp giao ban, bị cáo Long đổi tiền ra USD bỏ sẵn vào phong bì đưa trực tiếp cho bị cáo Đặng Việt Hà tại phòng làm việc.

Trả lời Hội đồng xét xử, Nguyễn Thanh Long thừa nhận hành vi sai phạm, tuy nhiên cho rằng một số tình tiết nêu trong cáo trạng chưa đúng.

Cụ thể, bị cáo cho biết bản thân không đưa ra chủ trương cho thuộc cấp nhận hối lộ để bỏ qua lỗi đăng kiểm không đạt, chỉ cho phép đăng kiểm viên nhận phụ cấp của khách khi đăng kiểm đạt để cải thiện đời sống anh em, chi ngoại giao và đưa tiền cho cấp trên chứ không chỉ đạo nhận hối lộ.

Liên quan đến nội dung này, đại diện Hội đồng xét xử cho biết, kết luận của cáo trạng nêu, bị cáo Nguyễn Thanh Long thực hiện chủ trương của Đặng Việt Hà, không phải đưa ra chủ trương. Bị cáo nhận chủ trương, sau đó truyền đạt cho cấp dưới.

Ngoài ra, cáo trạng xác định rất rõ số lần bị cáo vi phạm về làm giả tài liệu… Lúc này, bị cáo Long nhận việc thực hiện chủ trương, truyền đạt cho cấp dưới và việc mua 221 bộ hồ sơ khống.

Tuy nhiên, về tội danh làm giả tài liệu, Long vẫn không thừa nhận vì bản thân không trực tiếp thực hiện. Đại diện Hội đồng xét xử cho rằng, việc trực tiếp làm giả hay liên quan đến việc làm giả thì đó cũng là tội làm giả.

Về lời khai của bị cáo Long cho rằng bản thân không chủ trương cho thuộc cấp nhận hối lộ để bỏ qua lỗi đăng kiểm không đạt, chỉ cho phép đăng kiểm viên nhận phụ cấp của khách khi đăng kiểm đạt, đại diện Hội đồng xét xử cho biết, không thể có chuyện chủ phương tiện đem phương tiện đi đăng kiểm, không phát hiện ra lỗi gì nhưng vẫn đưa một số tiền lớn cho các bị cáo để các bị cáo chi dùng cho mục đích riêng và nộp cho lãnh đạo. Nếu không phải phía trung tâm nhận tiền để bỏ qua lỗi thì chủ phương tiện sẽ không đưa tiền. Đại diện Hội đồng xét xử nhận định bị cáo Long trình bày không thành khẩn tại tòa.

Đại án đăng kiểm: Nhiều bị cáo thừa nhận hành vi nhận hối lộ - Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 18/7.

Trong phần trả lời thẩm vấn, các bị cáo là đăng kiểm viên tại các Trung tâm Đăng kiểm 50-05V và 50-06V thừa nhận hành vi nhận hối lộ và số tiền hưởng lợi như trong cáo trạng. Tuy nhiên, các bị cáo này khai, việc nhận tiền hối lộ của chủ phương tiện là thực hiện theo chỉ đạo của giám đốc trung tâm.

Đồng thời, các bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét nhiều tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, gia đình có công với cách mạng, đã nộp tiền khắc phục hậu quả...

Vì sao các bị cáo phải chịu trách nhiệm chung tiền nhận hối lộ?

Tại phiên tòa, nhiều bị cáo là đăng kiểm viên, đăng kiểm viên bậc cao (trưởng chuyền) đề nghị xem xét lại đối với số tiền nhận hối lộ Viện kiểm sát quy buộc các bị cáo chịu trách nhiệm hình sự chung.

Trước ý kiến của các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát cho rằng việc nhận hối lộ xảy ra hàng ngày, hàng tuần, cộng lại dẫn đến số tiền lớn. Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát không thể tự nghĩ ra được số liệu này.

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng số liệu mà cáo trạng quy kết đối với các bị cáo là dựa vào những số liệu thu thập được các trung tâm đăng kiểm. Trừ trường hợp nào có sai sót, có điều chỉnh, Viện kiểm sát đã có đính chính. Viện kiểm sát chưa có căn cứ xem xét nếu tại phiên tòa, các bị cáo không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh mà chỉ suy đoán, đề nghị xem xét chung chung.

Về lý do vì sao quy kết các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ, theo đại diện Viện kiểm sát, sau khi nhận tiền của các chủ xe, đăng kiểm viên đã góp chung vào đưa cho Trưởng chuyền giữ, đến cuối tuần mới chia nhau.

Do đó, tất cả các bị cáo khi đã bị quy kết trách nhiệm hình sự đều phải chịu trách nhiệm chung về số tiền mà các bị cáo khác nhận. Còn trách nhiệm cụ thể đối với số tiền hưởng lợi đối với từng bị cáo, cáo trạng đã nêu rõ đối với từng bị cáo.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm 254 bị cáo liên quan dự kiến kéo dài trong 3 tháng, từ ngày 18/7 - 18/10.

Sau 1 tuần xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã thẩm vấn hơn 60/254 bị cáo liên quan sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, Phòng Kiểm định xe cơ giới (Phòng VAR, thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam), 3 Trung tâm đăng kiểm 62-03D, 71-02D, 83-02D; Trung tâm đăng kiểm 50-03V, 50-05V. Hiện còn 9 trung tâm đăng kiểm tại TP Hồ Chí Minh chưa bị thẩm vấn.

Xét xử sơ thẩm nhóm cán bộ, nhân viên Trung tâm Đăng kiểm 29-07D Xét xử sơ thẩm nhóm cán bộ, nhân viên Trung tâm Đăng kiểm 29-07D

VTV.vn - Tòa án nhân dân huyện Đông Anh (Hà Nội) vừa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt các bị cáo ở Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29-07D về tội "Nhận hối lộ" trong quá trình đăng kiểm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước