Kết quả điều tra ban đầu xác định, với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng đã tự lập các công ty nhưng không đăng ký kinh doanh rồi tuyển dụng hơn 60 nhân viên và thành lập ra các bộ phận để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm các bộ phận: Tìm kiếm và mua thông tin bị hại; Gọi điện tiếp cận và cài bẫy bị hại; Kế toán và kho…
Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bọn chúng đã xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết để chỉ đạo nhân viên thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân trên không gian mạng. Trong đó, các nhân viên sẽ gọi điện thoại cho khách hàng (do các đối tượng thu thập và mua thông tin từ trước) giới thiệu đang làm việc tại các công ty ma do chúng lập nên, đồng thời cho nạn nhân biết Công ty đang liên kết với một số Bệnh viện có uy tín để tiếp cận và giới thiệu chương trình "tặng" thực phẩm chức năng cho bệnh nhân và chỉ phải đóng phí vận chuyển (số tiền này có giá trị gần bằng với giá trị của sản phẩm được tặng).
Sau khi đồng ý, nạn nhân sẽ nhận được sản phẩm kèm theo hóa đơn và 1 phiếu ghi nội dung "chúc mừng bạn đã đủ điều kiện tham gia chương trình trúng thưởng 100% với giá trị giải thưởng lên đến 100 triệu đồng". Qua hệ thống, biết nạn nhân đã nhận được hàng thì nhân viên sẽ điện thoại thông báo cho khách hàng biết đã trúng thưởng một sản phẩm nào đó có giá trị đến 100 triệu đồng. Nếu khách hàng đồng ý nhận thưởng thì nhân viên sẽ yêu cầu khách hàng đóng một số tiền nhất định với lý do hợp lý như chi phí xác nhận thông tin người nhận thưởng, chi phí lấy mã số xuất kho, thuế hải quan để vận chuyển, phí thủ tục xác nhận hợp đồng hình ảnh, phí tất toán hồ sơ xuất quà tặng, phí để vận chuyển...
Mỗi lần đóng tiền, số tiền sẽ tăng dần và nạn nhân sẽ được tặng thêm một phần quà (phần quà này được ghi trên hóa đơn bán hàng gửi kèm theo quà tặng để bạn ký nhận, mục đích hợp thức hóa số tiền mà nạn nhân phải trả). Khi nạn nhân không có khả năng đóng thêm tiền thì nhân viên sẽ gọi điện thông báo hủy bỏ kết quả trúng thưởng do không thực hiện hết các thủ tục để nhận quà và chiếm đoạt số tiền đã đóng của nạn nhân.
Với thủ đoạn đó, từ tháng 9/2022 đến tháng 4/2023, các đối tượng trên đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khoảng 3.000 người dân trên địa bàn toàn quốc (chủ yếu là người lớn tuổi, có tiền sử mắc một số bệnh xương khớp, bệnh tiểu đường .... )với tổng số tiền chiếm đoạt khoảng 25 tỷ đồng.
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo.
Để làm rõ được vụ án, công an tỉnh Đăk Nông đã phối hợp với hàng chục công an các tỉnh thành, đồng thời triệu tập hơn 50 đối tượng... qua đó đã thu giữ 157 điện thoại di động, 38 máy tính xách tay, 01 máy tính bảng, 01 máy tính để bàn, 03 CPU, 03 máy in, 01 máy đếm tiền, 02 con dấu, nhiều sổ sách, tài liệu liên quan đến hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 764 triệu đồng và gần 30 tấn hàng hóa phục vụ việc lừa đảo và nhiều đồ vật, tài sản, tài liệu khác có liên quan.
Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Đức, Trưởng Công an thành phố Gia Nghĩa, nhóm đối tượng này hoạt động rất chuyên nghiệp, có tổ chức và phân công vai trò, trách nhiệm rất rõ ràng, hoạt động theo các kịch bản đã xây dựng sẵn để cài bẫy khách hàng. Quy mô hoạt động của nhóm đối tượng này rất rộng, liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi nhằm đánh vào lòng tin cũng như sự nhẹ dạ cả tin của người dân, chủ yếu là người lớn tuổi và bệnh nhân.
Hiện nay, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Gia Nghĩa đang tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật. Ai từng là nạn nhân của các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn như trên liên hệ với cơ quan CSĐT Công an thành phố Gia Nghĩa để phối hợp điều tra, làm rõ.
Nhiều tang vật bị thu giữ.
Một địa điểm được các đối tượng sử dụng để lừa đảo qua không gian mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!