Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động "tín dụng đen" bị triệt phá, nhiều vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh. Lực lượng chức năng đã bắt, khởi tố 24 vụ với 49 đối tượng; trong đó, có 23 vụ với 42 đối tượng bị khởi tố về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, 1 vụ với 7 đối tượng bị khởi tố về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị, địa phương trên địa bàn Bình Phước đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, lực lượng Công an đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh, trấn áp đối tượng có biểu hiện cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê liên quan đến "tín dụng đen". Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Phước đã ban hành công văn triển khai biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến tín dụng đen. Các địa phương, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cảnh giác để không rơi vào bẫy "tín dụng đen" của đối tượng hoạt động liên quan đến hành vi này.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" hoạt động ngày càng tinh vi, sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới để đối phó với cơ quan chức năng như: Các đối tượng cho vay không ghi rõ mức lãi suất trong giấy vay tiền mà thỏa thuận miệng với người vay; các thỏa thuận vay thường dùng "tiếng lóng", giấy tờ vay chủ nợ giữ, con nợ chỉ trả lãi suất theo thỏa thuận, dẫn đến việc khó khăn trong quá trình điều tra, chứng minh hành vi phạm tội.
Đa số đối tượng trong các băng nhóm hoạt động "tín dụng đen" có tiền án, tiền sự, chúng lôi kéo thanh niên "hư hỏng" từ các tỉnh phía Bắc vào địa phương sinh sống và sử dụng những đối tượng này giao dịch ở nhiều nơi, địa điểm để tránh kiểm tra của lực lượng chức năng. Quá trình vay diễn ra nhanh chóng, người vay không được cung cấp giấy tờ liên quan…
Hiện nay, các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" đang có xu hướng chuyển địa bàn hoạt động đến vùng nông thôn, khu công nghiệp, chúng ngụy trang bằng hình thức như mua bán tài sản, hợp đồng thuê mượn tài sản hoặc cho vay trực tuyến, cho vay qua ứng dụng điện thoại (app)…
Để tiếp tục đấu tranh hiệu quả với hoạt động liên quan đến "tín dụng đen", Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ, đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là trên mạng xã hội; đấu tranh, trấn áp hoạt động liên quan đến "tín dụng đen"; siết chặt việc cấp giấy chứng nhận đối với cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự nhất là cơ sở cầm đồ, công ty kinh doanh tài chính…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!