Đề nghị truy tố 4 cán bộ liên quan vụ sạt lở ở Đà Lạt làm 2 người tử vong

Lê Tiến-Thứ sáu, ngày 18/10/2024 19:12 GMT+7

VTV.vn - Công an TP Đà Lạt vừa kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ qua Viện Kiểm sát Nhân dân TP Đà Lạt đề nghị truy tố 4 cán bộ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan vụ sạt lở bờ ta luy làm 2 người chết ở số 7 Yên Thế xuống hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP Đà Lạt vào tháng 6/2023, Công an TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ qua Viện Kiểm sát Nhân dân TP Đà Lạt để truy tố 4 cán bộ về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Cụ thể, theo kết luận điều tra, nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ sạt lở đất được xác định là do quá trình thi công kè ta luy không tuân thủ đúng thiết kế được phê duyệt. Cụ thể, công trình kè chắn đất được xây dựng sai vị trí, cao hơn so với hồ sơ đã được cấp phép. Bên cạnh đó, thiết kế kè không đảm bảo khả năng chịu lực, kết hợp với biện pháp thi công không phù hợp đã khiến công trình bị yếu, sạt lở khi gặp mưa lớn. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự việc này còn nằm ở những sai phạm trong công tác quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng.

Đề nghị truy tố 4 cán bộ liên quan vụ sạt lở ở Đà Lạt làm 2 người tử vong - Ảnh 1.

Hiện trường vụ sạt lở ta luy từ đường Yến Thế xuống hẻm Hoàng Hoa Thám tháng 6/2023. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Tháng 2/2022, ông Nguyễn Minh Thông (chủ sở hữu thửa đất 657) đã thay mặt 3 người còn lại là chủ 3 thửa đất trên ký hợp đồng với Nguyễn Uy Vũ – Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng để xây dựng kè chắn đất, đắp đất toàn bộ các thửa đất trên với tổng số tiền gần 7 tỷ đồng. Sau đó, Nguyễn Minh Thông đã giao đã giao cho Dương Viết Phong (42 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) là giám sát tiến độ, kỹ thuật tại công trình và là đại diện chủ đầu tư tại công trình.

Qua làm việc, điều tra, thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra xác định 3 người trong Đội Quản lý trật tự đô thị TP Đà Lạt là Mạc Phương Hải, Trần Quốc Hà, Đặng Nguyễn Nhật Vũ đã tiến hành kiểm tra công trình trên các thửa đất trên vào ngày 17/4/2023. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra thực tế, 3 người trên không đối chiếu với bản vẽ thiết kế được phê duyệt, giấy phép xây dựng, không phát hiện sai phạm nên công trình được phép tiếp tục thi công.

Ngoài ra, Công an TP Đà Lạt cũng xác định ông Phạm Hoàng Duy (công chức địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường UBND phường 10) đã không thực hiện giám sát kỹ thuật, không kiểm tra đo đạc công trình xây dựng kè chắn đất tại các thửa đất trên. Ông Duy đã một lần giải quyết đơn khiếu nại của người dân, nhiều lần xuống tại vị trí thi công công trình trên nhưng không tiến hành kiểm tra thực tế, không ghi nhận biên bản kiểm tra và không có ý kiến với chủ đầu tư và đơn vị thi công công trình.

Bên cạnh đó, ông Võ Khánh Toàn (công chức địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường UBND phường 10) cũng được xác định, phối hợp với Đội Quản lý trật tự đô thị TP Đà Lạt nhưng không kiểm tra, đối chiếu thực tế công trình đang thi công với bản vẽ thiết kế được phê duyệt nên không phát hiện được việc xây dựng sai phạm của công trình.

Đề nghị truy tố 4 cán bộ liên quan vụ sạt lở ở Đà Lạt làm 2 người tử vong - Ảnh 2.

Vụ sạt lở làm 2 người chết, một số người bị thương, 2 căn nhà bị sập hoàn toàn, 2 căn nhà khác bị hư hỏng nặng. Ảnh: Báo Lâm Đồng.

Công an TP Đà Lạt xác định, ông Võ Khánh Toàn cùng Mạc Phương Hải, Trần Quốc Hà, Phạm Hoàng Duy là người có chức vụ, quyền hạn được giao nhưng thiếu trách nhiệm dẫn đến thực hiện không đúng và không thực hiện nhiệm vụ được giao. Từ đó, không phát hiện được vi phạm và yêu cầu đình chỉ thi công đối với công trình trên các thửa đất trên dẫn đến sạt lở, gây hậu quả nghiêm trọng làm 2 người chết, thiệt hại lớn về tài sản cho người dân.

Qua kết quả trưng cầu giám định, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở trên là do: Thi công không theo hồ sơ cấp phép được cấp gồm sai vị trí ranh cấp phép (ở các đoạn kè 1, 2, 3) và thân kè thớt 1, thớt 2 thi công cao hơn so với hồ sơ cấp phép; thiết kế kè chắn đất không đảm bảo khả năng chịu lực; biện pháp thi công không phù hợp (không đầm chặt khi đắp đất sau lưng kè; không bố trí vật liệu lọc nước phù hợp tại vị trí lỗ thoát nước trên thân kè; không có phương án che chắn, thoát nước mặt khi trời mưa).

Các cán bộ này đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, không đối chiếu với bản vẽ thiết kế được phê duyệt và không phát hiện sai phạm, nên đã cho phép công trình tiếp tục thi công. Thậm chí, có những cán bộ đã nhiều lần đến hiện trường nhưng không tiến hành kiểm tra thực tế, không ghi nhận biên bản kiểm tra, dẫn đến việc không phát hiện được những dấu hiệu nguy hiểm bất thường của công trình.

Đề nghị truy tố 4 cán bộ liên quan vụ sạt lở ở Đà Lạt làm 2 người tử vong - Ảnh 3.

Khối lượng lớn đất đã bị sạt trượt xuống khu vực phía dưới gây hậu quả nghiêm trọng. Ảnh: Báo Lâm Đồng.

Với những sai phạm trên, Công an TP Đà Lạt đã chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân TP Đà Lạt truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" đối với 4 cán bộ liên quan gồm: Trần Quốc Hà, Mạc Phương Hải, Võ Khánh Toàn, Phạm Hoàng Duy.

Liên quan đến vụ án, ngày 13/7/2023, Công an TP Đà Lạt đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Uy Vũ (40 tuổi, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng, đơn vị thiết kế và thi công bờ kè taluy) và Dương Viết Phong (42 tuổi, cán bộ giám sát thi công thuộc một đơn vị tư nhân) để điều tra hành vi "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

Trước đó, ngày 29/6, một đoạn taluy tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám bất ngờ sạt lở xuống phía dưới vùi lấp lán trại công nhân khiến vợ chồng bà Nguyễn Thị Hồng Vẹn (45 tuổi) và ông Phạm Khánh (47 tuổi, quê Phú Yên) tử vong.

Cũng trong thời điểm này, địa bàn TP Đà Lạt cũng xảy ra 12 vụ sạt lở khác làm nhiều ngôi nhà bị sập, hư hỏng. Chính quyền địa phương phải di dời nhiều hộ dân tránh khu vực nguy hiểm.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước