Đường dây lừa đảo nghìn tỷ của Mr Pips dụ dỗ các nạn nhân "mắc bẫy" ra sao?

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 13/12/2024 14:40 GMT+7

VTV.vn- Liên tục khoe cuộc sống xa hoa trên mạng xã hội, một số đối tượng đã dụ dỗ người dân giao dịch trên các sàn chứng khoán do chính chúng lập ra để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thường xuyên đăng ảnh siêu xe, cuộc sống xa hoa giàu có để tạo niềm tin, dẫn dụ người dùng đầu tư tiền vào các sàn giao dịch chứng khoán giả. Thủ đoạn này đã khiến cho hơn 2.600 người mắc bẫy với số tiền ước tính hơn 5.200 tỷ đồng.

Để triệt phá ổ nhóm này, cơ quan công an đã phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ công nghệ cao bởi đối tượng hoạt động trên không gian mạng, dùng nhiều thủ đoạn ẩn danh để trốn tránh.

Bằng thủ đoạn liên tục khoe khoang cuộc sống xa hoa, giàu có trên các trang mạng xã hội để xây dựng lòng tin đối với các nhà đầu tư, một đối tượng đã huy động tới hơn 1.000 nhân viên hoạt động tại 44 văn phòng trên khắp cả nước, dụ dỗ người dân tham gia giao dịch trên các sàn chứng khoán ma do chính các đối tượng này tạo dựng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vỏ bọc xa hoa, giàu có mà đối tượng này dựng lên hoàn toàn bằng những đồng tiền lừa đảo của các nạn nhân. Số xe sang mà cơ quan công an thu giữ nhiều đến mức khoảng sân rộng của công an quận Cầu Giấy cũng không đủ chỗ để. Đến nay, cơ quan điều tra thu giữ tài sản ước tính 5.200 tỷ đồng, bao gồm gần 300 kg vàng nguyên khối cùng nhiều siêu xe, sổ tiết kiệm và 125 bất động sản có giá trị cao.

Biết mình hoạt động phi pháp, lại có nhiều tiền, đối tượng cầm đầu thường xuyên điều hành hoạt động của đường dây tại Campuchia và rất ít khi về Việt Nam, gây khó khăn cho cơ quan công an trong quá trình truy bắt.

Thượng tá Cao Văn Thái - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội - cho rằng: "Quy mô của ổ nhóm tội phạm này rất lớn, thành lập 44 văn phòng trên toàn quốc, số lượng nhân viên được đào tạo để lừa người dân bài bản hơn và sự lăng xê của đối tượng này lên mạng xã hội để người dân tin tưởng rằng đầu tư vào sẽ trở nên giàu có".

Thủ đoạn của đường dây này là cung cấp thông tin sai sự thật để khách hàng tin tưởng, chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng chỉ định rồi chiếm đoạt. Ban đầu, các đối tượng dụ dỗ khách giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp, có lãi rồi rút được tiền. Sau đó, chúng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để hướng dẫn, thúc đẩy khách nâng vốn giao dịch.

Khi nhà đầu tư thua lỗ, thậm chí thua hết tiền trong tài khoản, các đối tượng cung cấp thông tin sai sự thật để họ tiếp tục có niềm tin, chuyển thêm tiền để "gỡ". Cho đến khi khách không còn khả năng về tài chính, nhóm lừa đảo chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Đại tá Thành Kiên Trung - Trưởng Công an quận Cầu Giấy, Công an thành phố Hà Nội - cho rằng: "Việt Nam chưa cấp phép cho các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, do vậy, các giao dịch này đều là bất hợp pháp. Công dân Việt Nam muốn đầu tư chứng khoán chỉ duy nhất trên các sàn giao dịch do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý".

Liên quan đến vụ bắt giữ TikToker Mr Pips, cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố 31 bị can, đồng thời xác định 2.661 bị hại trên toàn quốc. Hiện cơ quan cảnh sát điều tra đang tiếp tục mở rộng vụ án, truy bắt các đối tượng khác có liên quan.

Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo từ các app đầu tư chứng khoán giả mạo Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo từ các app đầu tư chứng khoán giả mạo

VTV.vn - Thời gian qua, trên thị trường liên tục xuất hiện nhiều ứng dụng kêu gọi đầu tư chứng khoán giả mạo và không rõ nguồn gốc.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước