Dù các địa phương đều có những kế hoạch cụ thể trong việc triển khai chống buôn lậu, nhưng trên thực tế, tại các đại lý bán hàng tạp hóa ở khu vực biên giới, nhiều mặt hàng lậu vẫn được bày bán công khai.
Tại khu vực chợ biên giới Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An, không khó để tìm mua những mặt hàng như bia, nước ngọt được nhập lậu. Trong vai người đi mua bia để đưa về Thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên đã được nhân viên cửa hàng hứa hẹn về số lượng và giá cả nếu lấy nhiều.
Theo đánh giá của lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Long An, tình trạng hàng lậu được tuồn qua biên giới rồi bày bán ở các chợ biên giới diễn ra đã lâu, rất nhiều lần lực lượng chức năng tổ chức đi kiểm tra và xử phạt, tuy nhiên, do đặc thù là chợ giáp biên giới nên không thể ngăn chặn hết được.
Theo Ban chỉ đạo 389, tỉnh Long An mỗi năm các lực lượng chức năng của tỉnh này bắt giữ hàng ngàn vụ vi phạm, tịch thu hàng triệu bao thuốc lá nhập lậu, hàng trăm tấn tường cát cùng rất nhiều mặt hàng phục vụ tiêu dùng, tuy nhiên trên thực tế, việc xử lý chỉ mới dừng lại ở người vận chuyển, buôn bán nhỏ lẻ chứ chưa tận gốc nên sau một thời gian hoạt động, buôn lại tiếp tục tái diễn.
Bằng thủ đoạn trộn lẫn những mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ với những mặt hàng không hóa đơn chứng từ, không hóa đơn xuất xứ, các cửa hàng tạp hóa ở trên biên giới như những cánh tay nối dài cho buôn lậu. Điều này cũng lý giải tại sao thời gian qua, tình trạng buôn lậu vẫn không hề giảm.
Mặc dù qua Tết đã lâu, tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà nhiều đối tượng tìm cách vận chuyển hàng lậu vào Việt Nam, đồng thời cố gắng tìm cách đẩy nốt các loại hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng cấm, hàng tồn kho ra thị trường. Chính vì vậy, việc tiếp tục tăng cường các giải pháp quản lý thị trường của các ngành chức năng sẽ góp phần quan trọng làm lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!