Thửa đất gia đình ông Nguyễn Hồng Nam xin cấp GCNQSDĐ tại xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) được xác định không nằm trong danh mục đất công, đủ điều kiện cấp giấy nhưng đến nay vẫn chưa được cấp...
5 năm xét lên, xét xuống một hồ sơ…
Trường hợp một hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rà soát mãi không xong tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh là của gia đình ông Nguyễn Hồng Nam.
Theo đơn tố cáo ông Nam gửi đến các cơ quan trung ương và TP Hồ Chí Minh suốt nhiều năm qua: Năm 1986, cha ông được Nông trường An Hạ (xã Phạm Văn Hai) cấp cho một thửa đất, có giấy tờ viết tay. Năm 2003, cha ông Nam qua đời, thửa đất trên được thừa kế lại cho ông và người thân. Năm 2017, ông Nam tiến hành làm các hồ sơ thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên UBND huyện Bình Chánh, diện tích 3919m2 thuộc thửa đất số 17, tờ bản đồ địa chính số 43 tương ứng một phần thửa 133, tờ bản đồ số 3 thuộc địa chính xã Phạm Văn Hai.
Cùng thời điểm năm 2017 UBND Huyện Bình Chánh thực hiện thanh tra toàn bộ quá trình kê khai, đăng ký quản lý sử dụng đất do nhà nước trực tiếp quản lý tại xã Phạm Văn Hai theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hồ sơ của ông Nam lúc đó được thông báo chờ kết luận của đoàn thanh tra rồi mới xử lý.
Quyết định Thanh tra số 5504 nói trên của UBND huyện Bình Chánh ban hành từ tháng 4/2017 nêu rõ thời hạn thanh tra là 30 ngày. Đến hơn một năm sau, ngày 28/9/2018, UBND Huyện Bình Chánh mới có kết luận thanh tra. Trong kết luận này, hồ sơ xin cấp phép của gia đình ông Nguyễn Hồng Nam là một trong ba trường hợp trước đó được xã Phạm Văn Hai đưa vào danh sách đất do nhà nước quản lý theo Công văn 3200/UBND-TM năm 2008 của UBND Thành phố nên huyện lần nữa phải… tiếp tục rà soát. Dù trước đó, vào tháng 8/2017, UBND xã Phạm Văn Hai đã có báo cáo gửi lên huyện về việc loại bỏ thửa đất của ông ra khỏi danh sánh đất công do nhà nước quản lý, đồng thời đề xuất huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông cũng như 20 trường hợp khác. Lý do xã Phạm Văn Hai giải thích là "thời điểm năm 2003 về trước, do tình hình quản lý đất đai tại địa phương còn nhiều bất cập, việc kê khai đăng ký qua các thời kỳ lãnh đạo thiếu chủ động do đó một số thửa đất chưa được đăng ký bị đưa vào danh sách đất do nhà nước quản lý".
Đồng thời, trong văn bản số 8980 của Sở Tài chính ban hành năm 2016 cũng xác nhận trường hợp đất của gia đình ông Nguyễn Hồng Nam không phải là đất công do nhà nước quản lý.
Dù được xác định đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ, song hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ ông Nguyễn Hồng Nam vẫn tiếp tục ‘nằm chờ’ ở UBND Huyện Bình Chánh suốt năm 2017.
Năm 2018, ông Nam liên tục gửi các đơn khiếu nại về việc chậm trễ trong việc cấp hồ sơ xin giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông. UBND huyện Bình Chánh sau nhiều buổi làm việc đã ra quyết định giải quyết khiếu nạn số 1577 ngày 29/1/2019. Quyết định này công nhận khiếu nại của ông Nam là có cơ sở và yêu cầu Phòng Tài nguyên môi trường huyện Bình Chánh, các bộ phận liên quan thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Nam. Tuy nhiên, không hiểu vì sao quyết định này vẫn không được thực hiện?!
Bức xúc với việc ra quyết định mà không thực hiện, ông Nguyễn Hồng Nam tiếp tục gửi đơn khiếu kiện đến nhiều cơ quan tại TP Hồ Chí Minh và trung ương. Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh sau đó lập một đoàn thanh tra và ra văn bản số 7073 ngày 10/11/2021, cho rằng Quyết định 1577 của UBND Huyện Bình Chánh ban hành "chưa đủ chặt chẽ". Tuy nhiên, sau đó Thanh tra Thành phố có ý kiến Sở TNMT ban hành văn bản này chưa đúng thẩm quyền, quyết định 1577 về việc đồng ý cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông Nam đến nay vẫn còn giá trị.
6 tháng sau kể từ ngày ra quyết định 1577 mà không thi hành, UBND huyện Bình Chánh vẫn gửi cho ông Nam thông báo trường hợp hồ sơ của ông vẫn "tiếp tục rà soát và xin ý kiến, do đó sẽ chậm giải quyết so với quy định".
Tháng 8/2019, bức xúc với việc chậm giải quyết hồ sơ này, ông Nguyễn Hồng Nam làm đơn kiện cá nhân phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh đương nhiệm thời điểm đó là ông Nguyễn Văn Hồng. Từ đó đến nay, hồ sơ cấp giấy chứng nhận của ông Nam hiện không có bước rà soát nào tiến triển.
Trong lần gần đây nhất (giữa tháng 5/2022) làm việc với phóng viên VTV News, Trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện Bình Chánh thông tin, hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận của ông Nam đã được phòng trả về văn phòng đăng ký đất đai, nơi ông Nguyễn Hồng Nam nộp hồ sơ đăng ký lần đầu. Ông Nam cho biết chưa biết việc này.
Cố tình chậm trễ trong xử lý hồ sơ gây khiếu kiện kéo dài
Trường hợp hồ sơ của hộ ông Nguyễn Hồng Nam là vụ việc điển hình trong chậm trễ, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục hành chính tại huyện Bình Chánh. Trong nhiều năm qua, các cơ quan truyền thông, nhiều đoàn tiếp xúc cử tri, các kỳ họp Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng nêu câu chuyện này làm điển hình và đề nghị xử lý cấp giấy tờ cho người dân, nhưng đến nay không hiểu lý do vì sao UBND huyện Bình Chánh vẫn chưa giải quyết.
Ông Nguyễn Hồng Nam khiếu nại việc UBND huyện Bình chậm trễ cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông tại một buổi tiếp xúc cử tri.
Trong buổi trao đổi với phóng viên VTV News, bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Bình Chánh cho biết tình trạng hiện tại với hồ sơ này vẫn "đang xin ý kiến rà soát". Mặc dù vẫn đang rà soát nhưng hồ sơ đã trả về nơi đăng ký ban đầu mà không thông báo lý do!
Khi được hỏi vì sao một hồ sơ đã có đầy đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hết lần này đến lần khác không thực hiện mà vẫn phải rà soát? Cán bộ Phòng TN-MT huyện Bình Chánh không trả lời, ngay cả việc hứa cung cấp hồ sơ vụ việc 3 ngày sau buổi tiếp phóng viên, cán bộ huyện này vẫn không thực hiện. Nhiều lần phóng viên liên lạc lại đề nghị cung cấp các văn bản liên quan vẫn chỉ nhận được câu trả lời "đang xin ý kiến"?!
Cuối cùng, hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân có thực hiện được hay không, đến nay huyện Bình Chánh vẫn không trả lời cho người dân. Còn cá nhân ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND huyện và UBND huyện Bình Chánh đều vướng phải kiện tụng kéo dài chưa dứt…
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!