Lý do khiến Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến và 4 đối tượng khác bị khởi tố:
Bị can Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn và 3 cán bộ khác tại TP.HCM đã vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến SAGRI.
Theo đó, năm 2009 SAGRI (doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND TP.HCM) được chấp thuận là chủ đầu tư dự án khu dân cư Phước Long B, Quận 9, TP.HCM có quy mô hơn 3,6 ha với chức năng xây dựng chung cư.
Trước đó, tháng 10/2008, SAGRI đã ký với Tổng Công ty cổ phần Phong Phú hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án Phước Long B, trong đó vốn góp và lợi nhuận được chia theo tỉ lệ SAGRI 28% và Tổng Công ty cổ phần Phong Phú 72%.
Đến tháng 6/2016, dự án được phê duyệt nhưng sau đó SAGRI lại ký thỏa thuận về giá trị chuyển nhượng dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Tổng Công ty cổ phần Phong Phú. Việc chuyển nhượng này không qua đấu giá, không thẩm định để xác định giá thị trường dẫn tới việc thất thoát tài sản nhà nước.
Trong quá trình chuyển nhượng đó, khi nhận được hồ sơ xin chuyển nhượng dự án của SAGRI, ông Trần Trọng Tuấn, lúc này là Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM đã ký tờ trình gửi UBND thành phố khẳng định việc chuyển nhượng dự án đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, Sở Xây dựng kiến nghị UBND thành phố chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng dự án. Từ đó, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký quyết định chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng dự án cho Tổng Công ty cổ phần Phong Phú.
Sau khi phát hiện vụ việc, đến tháng 6/2019, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ký Quyết định số 2649/QĐ-UBND thu hồi và huỷ bỏ Quyết định số 6077/QĐ-UBND ngày 17/11/2017 của UBND Tp. Hồ Chí Minh (do ông Trần Vĩnh Tuyến ký) về chấp thuận cho chuyển nhượng dự án khu nhà ở tại phường Phước Long B, Quận 9.
Theo Thanh tra TP.HCM, tại dự án khu nhà ở Phước Long B (Quận 9), SAGRI không thuê công ty thẩm định giá khi chuyển nhượng dự án cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú; không lập thủ tục đề nghị cơ quan chức năng xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung khi dự án điều chỉnh quy hoạch với các chỉ tiêu về cơ cấu sử dụng đất, mật độ xây dựng, tăng chiều cao... có thay đổi so với ban đầu.
SAGRI đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tổng Công ty Phong Phú trong việc phân chia lợi nhuận là không đảm bảo quyền lợi của SAGRI. Trong khi dự án chưa được lập, phê duyệt, chưa hoàn tất hạ tầng kỹ thuật, SAGRI đã ký hợp đồng ủy quyền cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú ký 77 hợp đồng vay vốn, đặt cọc, mua nhà liền kề là không đúng Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/10/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi Luật Nhà ở, quy định về huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở.
Mặt khác, SAGRI đã ủy quyền cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú tìm kiếm đối tác góp vốn, khách hàng mua nhà ở tại dự án nhưng trên thực tế, Tổng Công ty Phong Phú đã ký các hợp đồng huy động vốn (phân lô bán nền) từ năm 2012.
Sau đó, SAGRI báo cáo UBND TP.HCM và Sở Xây dựng việc chưa huy động vốn từ khách hàng để thực hiện dự án là không trung thực, có khả năng gây thiệt hại cho doanh nghiệp nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Nghiêm trọng hơn, SAGRI đã chuyển nhượng 28% phần vốn góp (thực chất chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật) cho Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú nhưng không qua đấu giá để xác định giá thị trường.
Về dự án khu dân cư phường Phước Long B (Quận 9), UBND TP.HCM đã giao Chủ tịch Hội đồng Thành viên và Tổng Giám đốc SAGRI báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét, chấp thuận để SAGRI chủ động thương lượng với Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú hủy hợp đồng chuyển nhượng, đồng thời rà soát hợp đồng hợp tác kinh doanh số 52/HĐHT-TCT ngày 31/10/2008, xem xét lại tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa SAGRI và Tổng Công ty Phong Phú nhằm tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Trước đó, ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc SAGRI và nhiều cán bộ chủ chốt của SAGRI đã bị bắt và khởi tố để điều tra hành vi tham ô tài sản, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Hiện nay, vụ SAGRI được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.