Đầu tháng 4/2024, người dân ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) xôn xao trước tin con gái 6 tuổi của bà Trần Thị Hoa, ở xã Bình Dương bị nhóm người (khả nghi chồng cũ) đến bắt cóc và yêu cầu 15 triệu đồng tiền chuộc con, nếu không con bà sẽ bị… giết.
Lo lắng tính mạng của con, bà Hoa đã đi vay mượn 10 triệu đồng bỏ vào túi xách rồi đến tuyến bờ kè phía Bắc sông Trà Bồng làm theo hướng dẫn có nhóm người bắt cóc. Sau đó, bà Hoa cũng đã đến Công an xã Bình Dương báo vụ việc bắt cóc, tống tiền như trên.
Nhận được tin báo, Công an xã Bình Dương khẩn trương vào cuộc. Thế nhưng, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ truy xét, trích xuất camera, tìm nhân chứng... lực lượng Công an không phát hiện dấu hiệu tội phạm. Làm việc lại với bà Hoa thì bà Hoa bắt đầu khai nhận không có việc bắt cóc, tống tiền như đã báo trước đó. "Do nợ nần tiền của nhiều người, không có tiền trả, sợ gia đình phát hiện nên tôi đã dựng chuyện con bị bắt cóc, tống tiền để mượn tiền người thân trong gia đình trả nợ", bà Hoa khai nhận.
Công an làm việc với bà Hoa.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Thuyết, ở xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đến Công an xã Nghĩa Thương trình báo bị kẻ lạ đến nhà dùng bình xịt thuốc mê vào mặt khiến bà Thuyết đưa hết tài sản tiền, vàng, điện thoại cho đối tượng. Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vụ án, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Công an xã Nghĩa Thương lập tức báo cáo tình hình với lãnh đạo Công an huyện Tư Nghĩa, khẩn trương chỉ đạo các Đội nghiệp vụ cử trinh sát, cán bộ điều tra xuống hiện trường phối hợp điều tra, thu thập dấu vết, lấy lời khai của bị hại và những người biết vụ việc, nhanh chóng truy bắt các đối tượng manh động gây ra vụ cướp.
Làm việc với các điều tra viên, bà Thuyết cho biết thời điểm trên bà bị tấn công bất ngờ nên không biết hình dáng, các đối tượng đi phương tiện gì... Mặc dù lời khai của "bị hại" nghe khá logic, bài bản, song đối chiếu với hiện trường bị lục lọi lấy tài sản, các điều tra viên và trinh sát dày dặn kinh nghiệm bằng cặp mắt nhà nghề đã phát hiện "có vấn đề".
Thêm vào đó, nguồn tin thu thập được từ người dân khu vực cũng như camera an ninh thì trong khoảng thời gian trên, khu vực này không ghi nhận có vụ cướp nào. Tổng hợp những tài liệu thu thập được, các điều tra viên đã chất vấn, đấu tranh với Thuyết. Biết không thể qua mặt được Công an, cuối cùng bà Thuyết khai nhận không có vụ cướp như tin báo. Bản thân do nợ nần nên báo tin giả mất tiền để che giấu nợ của mình.
Trên địa bàn thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi), thời gian qua có nhiều người dân đến cơ quan Công an báo tin giả bị cướp tài sản. Thậm chí những người này còn dựng nên những tình huống táo tợn khiến cho người dân lo lắng, hoang mang. Tuy nhiên, thông thường các vụ báo tin giả kiểu này không thể qua được nghiệp vụ của lực lượng Công an. Cuối cùng, sự thật được phơi bày và người tung tin giả bị xử lý theo quy định của pháp luật.
"Sau khi tiếp nhận một số vụ việc báo án, quá trình điều tra, chúng tôi đã làm rõ các tin báo này là giả. Người dân xuất phát từ việc bị "dí" nợ nần để nhằm đánh lạc hướng con nợ để không bị áp lực đòi nợ nên đến Công an báo án giả. Công an thị xã cũng đã gọi hỏi, răn đe, giáo dục những trường hợp báo tin giả", Trung tá Võ Hữu Vi, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Đức Phổ cho biết thêm.
Việc báo án giả là vi phạm pháp luật, vì trình báo không đúng sự thật, gây hoang mang trong nhân dân, tạo dư luận không tốt về tình hình ANTT địa phương. Ngoài ra, người cố ý tố giác, báo tin giả về tội phạm mà xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị tố giác, báo tin giả có thể phải bồi thường nếu người bị thiệt hại có yêu cầu theo luật định. Nếu đối tượng báo tin giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mọi hành vi báo tin giả, sai sự thật đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!