“Không gì đau xót hơn khi phải xử lý những người được gọi là tinh hoa của đất nước”

Thuỳ An-Thứ hai, ngày 08/11/2021 13:38 GMT+7

VTV.vn - Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) đặt dấu hỏi về sự phù hợp về cơ chế quản lý trước việc nhiều cán bộ ngành Y tế vi phạm pháp luật thời gian qua.

Phát biểu tại Quốc hội vào sáng nay (8/11), đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) cho biết suốt 2 năm qua, chúng ta đã trải qua những thời gian khốc liệt do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Hàng vạn bác sĩ đã không quản khó khăn, gian khổ để hi sinh, cống hiến để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân. 

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là thời gian qua, có những cán bộ quản lý ngành Y tế các cấp vi phạm pháp luật, bị truy tố hình sự. 

“Tôi không có ý định bào chữa cho bất kỳ một ai, bởi dù là thầy thuốc, thầy giáo thì họ là những con người có chức vụ, quyền hạn, mọi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm đều bị xử lý nghiêm minh. 

Tuy nhiên, trong một xã hội mà nhiều người được coi là chuẩn mực, được xã hội nể trọng với những danh xưng cao quý là những người thầy mà vi phạm pháp luật thì rõ ràng đó là một hiện tượng rất đáng lo ngại, xét ở mọi góc độ, cả về pháp luật, đạo đức xã hội hay quản trị nhà nước”, đại biểu Long nêu quan điểm.

Nhấn mạnh việc, qua các vụ án mà người bị truy tố trách nhiệm hình sự, đại biểu đoàn Đồng Nai cho rằng đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật.

“Không gì đau xót hơn khi phải xử lý những người được gọi là tinh hoa của đất nước” - Ảnh 1.

Trước việc nhiều cán bộ quản lý trong ngành Y tế vi phạm pháp luật thời gian qua, Đại biểu Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) cho rằng cần sớm hoàn thiện khung pháp lý

Theo đại biểu Long, điểm chung của một số vụ án liên quan đến ngành  y tế gần đây đó là số cán bộ bị truy cứu trách nhiệm không chỉ vi phạm về chức vụ mà còn về đấu thầu, kế toán. 

“Khi thông qua Bộ Luật Hình sự năm 2015, chắc chắn các nhà làm luật không thể hình dung được tội phạm kinh tế lại có sự chuyển hóa đến như vậy?”, đại biểu Long trăn trở.

Đặt vấn đề “Những vi phạm của bác sĩ trong điều hành ở cơ sở y tế công lập có phải từ bất cập trong hệ thống pháp luật hay không?” vị đại biểu Đoàn Đồng Nai cho rằng, ngoài vấn đề chịu trách nhiệm chuyên môn, giám đốc bệnh viện còn phải chịu nhiều trách nhiệm khác liên quan đến hoạt động từ các ca mổ, cấp cứu cho bệnh nhân, mua sắm sinh phẩm cho đến cả vấn đề gửi xe, túi rác…

“Để đáp ứng được những yêu cầu đó, chỉ có những bác sĩ có kỹ năng, trình độ đặc biệt thì mới thực hiện toàn mỹ”, đại biểu Long nói.

Viện dẫn một số mô hình ở các quốc gia phát triển, các bác sĩ giữ cương vị quản lý sẽ chỉ đạo chung dựa trên yêu cầu thực tiễn, còn nhiệm vụ cung ứng các vật tư y tế lại do một bộ phận khác đảm nhận, đại biểu Long nêu trăn trở: “Phải chăng cơ chế quản lý của chúng chưa phù hợp, thiếu sự phân định trách nhiệm, tổ chức thực hiện, đòi hỏi quá cao về người giữ nhiệm vụ quản lý từ đó dễ dẫn đến những sai phạm?”

Từ đó, đại biểu này đề nghị, bên cạnh với việc cần xử lý nghiêm các hành vi sai phạm thì cần hoàn thiện hành lang pháp lý để chúng ta không còn thấy bác sĩ vướng vòng lao lý bởi những việc họ không phải làm, không được làm.

Thay đổi quan điểm

Cũng liên quan đến công tác quản lý trong ngành Y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng các bệnh viện từ khi thành các đơn vị sự nghiệp nhưng chưa được chuẩn bị những cơ sở về mặt pháp lý. Như những kiến thức cần thiết để có thể bảo đảm cung ứng được trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, đặc biệt vấn đề cơ chế tài chính. 

Chúng ta cho rằng COVID-19 thì Nhà nước, ngân sách lo, nhưng phân công giữa ngân sách và bảo hiểm chưa rõ ràng. Cho nên các bệnh viện rất khó khăn trong việc thanh toán. 

"Tôi nói thí dụ vấn đề xét nghiệm, nếu như chúng ta phân công rạch ròi, để cho bảo hiểm làm việc đó, cùng với cơ chế đấu thầu chặt chẽ từ trước tới giờ, lựa giá thấp nhất thì chắc chúng ta không có tình trạng loạn giá xét nghiệm xảy ra”, bà Lan nêu quan điểm.

Điều quan trọng nữa theo bà Lan là việc thay đổi về mặt quan điểm, khi tất cả những gì chúng ta phải trả giá trong thời gian vừa qua chính là hệ quả để lại khi mà hệ thống y tế chưa đủ mạnh. 

“Chúng ta phải làm sao để tạo điều kiện cho các nhân viên y tế, đặc biệt cho các cán bộ quản lý có cơ hội, có môi trường để phát triển về y đức chứ không phải là sau đó, lúc xảy ra chuyện thì chúng ta sử dụng các biện pháp hành chính và các thủ tục tố tụng hình sự”, đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh nói.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước