Cứ mỗi khi có thiên tai, tinh thần tương thân tương ái, nghĩa tình đồng bào lại được khơi dậy hơn bao giờ hết. Nhiều tổ chức, cá nhân đã gửi tiền ủng hộ, thậm chí không quản ngại nguy hiểm, vất vả đến tận nơi để trợ giúp những hoàn cảnh đang gặp khó khăn. Tuy nhiên không ít kẻ xấu lợi dụng tình hình thiên tai để chiếm đoạt tiền từ thiện bằng nhiều chiêu trò lừa đảo.
Những ngày mưa lũ, chị Hoa (phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên lên mạng để cập nhật tin tức. Chị cho biết, đã không ít lần bắt gặp những bài đăng cảnh báo về các chiêu trò trục lợi từ thiện của kẻ xấu: như lừa đảo ăn chặn hàng cứu trợ, gọi điện từ các đầu số lạ kêu gọi ủng hộ từ thiện, hay lừa bán áo phao giá rẻ để chiếm đoạt tiền của những tổ chức cá nhân muốn mua áo phao ủng hộ người dân vùng ngập lụt.
"Rất đáng lên án vì lợi dụng lòng tốt của các nhà hảo tâm, những đồng từ thiện không đến được với những địa chỉ cần đến" chị Nguyễn Thanh Hoa (phường Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) nói.
Không chỉ vậy, kẻ xấu còn làm giả các fanpage của nhiều cơ quan tổ chức như Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao, Phú Thọ, hay mạo danh Hội Phụ nữ một số phường thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội kêu gọi quyên góp ủng hộ người dân vùng bão lũ để trục lợi.
Đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, đã có công văn gửi cục An ninh mạng phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để phối hợp điều tra làm rõ và đến thời điểm này, đã có một số trang tin giả mạo bị gỡ bỏ.
"Hiện tượng mạo danh các cơ quan mặt trận các cấp vẫn còn tồn tại. Các nhà hảo tâm cũng nêu cao cảnh giác, không để những đối tượng xấu lợi dụng chiếm đoạt tài sản", ông Vũ Văn Tiến (Trưởng Ban Tuyên giáo, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) nhận định.
Cục An toàn thông tin cũng cho biết, trên không gian mạng hiện vẫn đang tồn tại hơn 2.000 fanpage lấy tên Hội Chữ thập đỏ và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở các địa phương. Cục vẫn đang tiếp tục liên hệ với các đơn vị chủ quản để xác minh những fanpage này.
"Trường hợp cơ quan chủ quản không lập fanpage như vậy, việc đầu tiên Cục sẽ tuyên truyền cho người dân, rất có thể các đối tượng lập ra nhằm mục đích xấu; bước thứ hai là liên hệ với các cơ quan chức năng để tiến hành ngăn chặn, xử lý hạn chế mức độ tương tác của fanpage", anh Nguyễn Phú Lương (Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia) cho hay.
Cơ quan chức năng khuyến cáo kẻ xấu thường sao chụp, cắt ghép hình ảnh những hoàn cảnh khó khăn để giả làm nạn nhân hoặc người thân của họ, sau đó đăng tải lên mạng xã hội, kêu gọi trợ giúp để chiếm đoạt tiền từ thiện. Như cách đây ít lâu tại Nam Định, Cơ quan Công an đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Giáp để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt qua mạng hơn 500 triệu đồng của 1.500 nhà hảo tâm bằng hình thức kêu gọi từ thiện.
"Đối tượng đã lên mạng mua khoảng 3.000 tài khoản Facebook ảo, cùng 7 tài khoản ngân hàng, đăng các bài viết lên nhiều hội nhóm kêu gọi từ thiện. Đối tượng đã chỉnh sửa nội dung cần kêu gọi từ thiện, trùng khớp với thông tin tài khoản ngân hàng mà đối tượng đã mua được để tạo lòng tin của người dân", Đại úy Bùi Trung Hiếu (Phòng An ninh Mạng, Công an tỉnh Nam Định) thông tin.
Phòng chống lừa đảo từ thiện qua mạng
Luôn đề cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ trước khi chuyển tiền hay tham gia các hoạt động thiện nguyện, đây là biện pháp có tác dụng ngăn chặn hiệu quả các chiêu trò lợi dụng thiên tai để lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ thiện. Tuy nhiên bên cạnh đó, việc trang bị các kỹ năng sử dụng công nghệ phòng chống lừa đảo cũng không kém phần quan trọng. Thực tế cho thấy, khi có sự trợ giúp của các ứng dụng, các hành vi lừa đảo có thể được phát hiện, ngăn chặn từ sớm, từ xa.
Mạo danh cơ quan, tổ chức đăng bài hay lập fanpage giả kèm số tài khoản kêu gọi chuyển tiền từ thiện, gọi điện từ các đầu số lạ kêu gọi, quyên góp ủng hộ từ thiện để trục lợi, để phòng tránh lừa đảo, anh Thắng (Cầu Giấy, Hà Nội) đã cài đặt trên điện thoại ứng dụng nTrust. Chỉ bằng vài thao tác đơn giản, anh đã có thể yên tâm khi chuyển tiền từ thiện đến đúng số tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ứng dụng nTrust được kết nối với máy chủ lưu trữ những dữ liệu kết nối với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và có sự đóng góp của cộng đồng, nhờ đó liên tục được cập nhật các số tài khoản, số điện thoại lừa đảo, các website có chứa mã độc hay các website giả mạo, giúp người dùng có thế nhanh chóng tra cứu để giao dịch an toàn.
"Hiện nay, chúng tôi đã có trên 2 triệu địa chỉ website liên quan đến mã độc hoặc giả mạo và khoảng 150.000 số điện thoại, hơn 3.000 số tài khoản liên quan đến hoạt động lừa đảo, từ đó người dùng có thể tra cứu để xem thông tin mình thực hiện giao dịch có an toàn hay nguy hiểm", anh Vũ Ngọc Sơn (Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia) cho biết.
Còn theo anh Nguyễn Văn Quân (Công ty Công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam), sử dụng tính năng ống kính của Google truy xuất nguồn gốc các bức ảnh đăng tải trên mạng cũng là một biện pháp hiệu quả.
"Với những thao tác đơn giản, tính năng của Google Photos sẽ giúp được người dùng kiểm tra, xác minh hình ảnh, phân biệt được những bức ảnh nào là của chính chủ đăng hay do kẻ xấu sao chép, cắt ghép và tạo ra những fanpage giả mạo để chiếm đoạt tài sản", anh Nguyễn Văn Quân (Công ty Công nghệ an ninh không gian mạng Việt Nam) cho hay.
Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia mong muốn, sử dụng các phần mềm phòng chống lừa đảo miễn phí - một trong những biện pháp hữu hiệu, để phát hiện các hành vi lừa đảo sẽ ngày càng phổ biến trong cộng đồng. Bởi khi có một cộng đồng sử dụng đông đảo, những báo cáo từ cộng đồng sẽ góp phần làm giàu cho cơ sở dữ liệu phòng chống lừa đảo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!