Cơ quan điều tra các cấp đã khám phá 79 vụ, bắt xử 223 đối tượng, tập trung tại các địa phương TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Dương, Đắk Lắk. Trong khi lực lượng công an đang khẩn trương vào cuộc điều tra, xử lý hình sự hàng loạt vụ 'khủng bố' đòi nợ, nhiều đường dây tín dụng đen vẫn hoạt động gây ra nhiều bức xúc trong nhiều dân.
Một trường hợp vay tổng số tiền 90 triệu đồng qua app, lãi suất 10% mỗi ngày, tương đường 300% mỗi tháng. Quảng cáo ban đầu vay tiền không lãi suất. Khi người vay chậm trả tiền, băng nhóm tín dụng đen tổ chức gọi điện đe dọa, tới nhà tạt chất bẩn, ném tờ rơi nhằm khủng bố tinh thần, ép người vay trả nợ. Thậm chí, người thân liên tục bị khủng bố, ép trả nợ thay.
Cách thức chung của nhiều đường dây là người vay chỉ cần chụp ảnh căn cước công dân và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay số tiền từ 2 triệu đồng đến 30 triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký bất cứ một giấy tờ vay nợ nào. Các đối tượng sẽ thẩm định danh bạ điện thoại của người vay để xác định tính chính xác, lấy căn cứ cho việc đòi nợ sau này.
Theo thỏa thuận, người vay phải thanh toán trong 3-5 ngày số tiền gốc ban đầu, tiền lãi được các đối tượng "cắt" ngay khi giải ngân. Nếu người vay không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên, "lãi mẹ đẻ lãi con", có thể lên tới 1.570% đến 2.190%/năm.
Bộ Công an xác định tội phạm này là cưỡng đoạt tài sản. Việc xử lý, khởi tố các đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản đã nhận diện đúng bản chất của loại tội phạm này.
Công tác trinh sát xác định, riêng Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến có yếu tố do người nước ngoài cầm đầu, hoạt động có sự liên kết chặt chẽ với đối tượng trong nước. Lực lượng công an xác định tội phạm tín dụng đen vẫn phức tạp và sẽ tập trung đánh mạnh vào các tổ chức, tụ điểm có hoạt động tín dụng đen tại khắp các địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!