Tại TP Đà Nẵng, ngay khi vừa mới thành lập, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an thành phố đã bắt giữ, ngăn chặn thành công 1 đối tượng sử dụng mạng Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân.
Tại cơ quan công an, đối tượng lừa đảo này khai nhận đã sử dụng sim rác, tạo các tài khoản trên mạng xã hội với nhiều tên gọi khác nhau để đăng tải thông tin về việc cho vay tiền thủ tục đơn giản, không cần thế chấp. Với thủ đoạn yêu cầu người muốn vay tiền phải chuyển trước tiền phí bảo hiểm khoản vay, sau khi nhận được chuyển khoản thì cắt đứt liên lạc để chiếm đoạt tiền, Phạm Văn Sơn đã chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của hơn 60 bị hại ở nhiều địa phương. Điều bất ngờ là hành vi lừa đảo của Sơn nảy sinh từ việc chính đối tượng này trước đây cũng đã từng là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo nói trên.
Tang vật của một vụ án lừa đảo qua mạng
Theo Công an TP Đà Nẵng, quá trình điều tra bắt giữ đối tượng lừa đảo Phạm Văn Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là việc truy xét để lần ra dấu vết tội phạm khi mọi hoạt động giao dịch đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến. Đối tượng lừa đảo sau khi đã chiếm đoạt được tiền của các bị hại đã che dấu rất kỹ tung tích bằng cách cắt đứt mọi kênh liên lạc.
Cơ quan công an nhận định, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi. Do vậy công tác đấu tranh lại càng phải quyết liệt. Nhất là trong giai đoạn ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều người dân khó khăn, cần vốn làm ăn, nên rất dễ trở thành nạn nhân của chiêu trò cho vay tiền mà không cần thế chấp.
Bên cạnh nỗ lực của các lực lượng chức năng, điều quan trọng vẫn là mỗi người dân cần luôn tỉnh táo, để cao cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo đang có dấu hiệu xuất hiện ngày càng nhiều trên không gian mạng.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình Tội phạm sử dụng Công nghệ cao, công tác đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này đang được cơ quan Công an quyết liệt triển khai trên địa bàn cả nước.
Công an tỉnh Quảng Ninh cũng vừa phối hợp với Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An vừa triệt phá nhóm đối tượng chuyên lừa đảo bằng hành vi lập trang web, rồi tổ chức quảng cáo kêu gọi đầu tư tài chính nhằm chiếm đoạt hàng tỷ đồng của những người nhẹ dạ cả tin. Đồng thời phát đi cảnh báo, tội phạm trên không gian mạng đang có dấu hiệu gia tăng hoạt động với các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi.
Gần chục chiếc điện thoại di động, máy tính, hàng chục thẻ ngân hàng và thẻ sim điện thoại này là tang vật của ổ nhóm lừa đảo. Một nạn nhân kể lại, cách đây ít lâu, qua mạng xã hội chị có làm quen với 1 người tự xưng là chuyên gia tài chính. Cam kết lợi nhuận cao, được rút lãi sau 24h và đảm bảo tuyệt đối an toàn, người này đã mời chào chị đầu tư vào 1 sàn tài chính để trồng hoa Lan. Nhẹ dạ, cả tin, chị đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để tham gia nhiều gói đầu tư.
Nhận được tin trình báo, chỉ sau gần 2 tháng vào cuộc điều tra, cơ quan công an đã bắt giữ được 2 đối tượng trong đường dây lừa đảo. Đối tượng chủ mưu khai nhận, đã thuê đối tượng kia lập ra hàng chục trang web mời gọi đầu tư vào các dự án ảo để chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ, cả tin. Thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi. Đó là dùng tiền của người góp nhiều trả cho người góp ít và lập ra các hoá đơn chuyển tiền lãi giả bằng cách chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản ngân hàng của chính mình sở hữu.
Kết quả điều tra bước đầu, cơ quan công an xác định, các đối tượng lừa đảo đã lập ra 45 trang web mời gọi đầu tư vào các dự án ảo như trồng hoa lan, hoa hồng, nuôi cá koi để chiếm đoạt của 1.600 bị hại với số tiền lên tới 3,6 tỷ đồng.
Cơ quan công an nhận định tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thường hoạt động có tổ chức. Không ít người vẫn mắc lừa do suy nghĩ số tiền ban đầu phải nạp vào khi tham gia các sàn đầu tư tài chính ảo trên mạng thường ít, có mất cũng không sao nhưng nếu "được" lại lãi nhiều. Mỗi người dân cần đề cao cảnh giác để tránh bị mất tiền oan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!