Nhận điện thoại 'chuyển tiền gấp, con đang cấp cứu", gọi ngay đường dây nóng của Công an

Theo Báo Chính phủ-Thứ tư, ngày 08/03/2023 14:10 GMT+7

VTV.vn - Người dân cần bình tĩnh, kiểm tra lại thông tin, tuyệt đối không chuyển tiền để phòng ngừa bị lừa đảo.

Hiện nay, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh xuất hiện một số đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn mạo danh là giáo viên hoặc nhân viên bệnh viện liên hệ trực tiếp các bậc phụ huynh báo tin về việc học sinh, người nhà bị tai nạn, đang được nhập viện cấp cứu tại một số bệnh viện, yêu cầu phải chuyển tiền nhanh để đóng viện phí.

Trước tình hình trên, Công an TP. Hồ Chí Minh cảnh báo một số nội dung như sau:

Khi nhận thông tin về việc người thân đang bị tai nạn…, người dân cần bình tĩnh, liên hệ cơ quan, công ty, trường học nơi người thân đang công tác, làm việc, học tập để kiểm tra, kiểm chứng thông tin.

Trường hợp không có căn cứ rõ ràng (thông báo thu viện phí của cơ sở khám chữa bệnh…), người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng để phòng ngừa việc bị đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Liên hệ ngay với cơ quan Công an hoặc gọi điện đường dây nóng

Khi bị đối tượng lừa đảo hoặc phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất (Công an phường, xã, thị trấn, Công an quận, huyện, thành phố Thủ Đức).

Công dân cũng có thể liên hệ Trực ban Công an TP. Hồ Chí Minh (qua số điện thoại 069.3187.344), Trực ban Phòng Cảnh sát hình sự (qua số điện thoại 069.3187.200) để cung cấp thông tin, phối hợp Cơ quan Công an nhanh chóng điều tra, xử lý.

Cử điều tra viên cao cấp phối hợp điều tra

Dẫn thông tin từ lãnh đạo Công an TPHCM, báo SGGP cho biết, Ban Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ Công an TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng công an các quận, huyện và TP Thủ Đức khẩn trương điều tra vụ nhiều phụ huynh bị lừa đảo bằng chiêu trò gọi điện báo "có con cấp cứu ở viện phải chuyển tiền" xảy ra trên địa bàn thành phố trong vài ngày trở lại đây.

Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngay sau khi nhận thông tin về việc nhiều phụ huynh bị lừa đảo "con cấp cứu ở viện, phải chuyển tiền", Phòng PC02 đã cử các điều tra viên cao cấp phối hợp các phòng nghiệp vụ của Công an TP. Hồ Chí Minh và công an các địa phương lấy lời khai những phụ huynh bị lừa để điều tra.

Bước đầu, công an xác định các đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên, thầy cô giáo của nhà trường thông báo về trường hợp con của phụ huynh bị té ngã, phải vào bệnh viện cấp cứu điều trị, cần phụ huynh chuyển tiền gấp rồi chiếm đoạt.

Theo Phòng PC02, phần lớn các vụ lừa đảo qua mạng rất khó điều tra do các đối tượng lừa đảo ở nước ngoài, sử dụng số điện thoại đầu số lạ.

Số tài khoản nhận tiền của nạn nhân là tài khoản tội phạm mua để sử dụng. Hoặc khi nạn nhân báo cơ quan chức năng thì các đối tượng chuyển tiền đã chiếm đoạt qua tài khoản khác.

Công an TP. Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có giải pháp quản lý việc mở tài khoản. Hiện nay, việc mở tài khoản ngân hàng khá dễ dàng, nên các đối tượng sử dụng sim rác, CMND giả hoặc thuê người khác mở tài khoản để nhận tiền lừa đảo.

Đối với loại tội phạm lừa đảo, việc chính yếu vẫn là phòng ngừa. Vì thế, mỗi người dân cần tỉnh táo và cảnh giác trước các cuộc gọi từ người lạ.

Yêu cầu các đơn vị giáo dục công bố đường dây nóng

Trong một diễn biến liên quan, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cũng vừa có văn bản gởi các đơn vị giáo dục trực thuộc yêu cầu đảm bảo sự kết nối liên lạc thông suốt giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh, sinh viên sau vụ phụ huynh bị lừa đảo chuyển tiền.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị giáo dục trên địa bàn rà soát, kiểm tra các điều kiện để đảm bảo an toàn thông tin của học sinh, sinh viên, giáo viên; rà soát các kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình.

Đặc biệt sở đề nghị các trường phải công khai đường dây nóng trên cổng thông tin điện tử của đơn vị mình, đảm bảo được sự kết nối, liên lạc thông tin giữa nhà trường và gia đình học sinh, sinh viên.

"Các cơ sở giáo dục phải có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn đến cha mẹ học sinh, học sinh - sinh viên, giáo viên thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin, chủ động rà soát thông tin tránh trường hợp thông tin sai sự thật" - văn bản trên nhấn mạnh.

Báo chí phản ánh thời gian qua nhiều phụ huynh có con học tại các trường quốc tế, trường phổ thông ngoài công lập ở TP. Hồ Chí Minh nhận được các cuộc gọi của nhóm người lừa chuyển tiền.

Nhóm người này xưng là giáo viên bộ môn, là bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo với phụ huynh rằng con em họ bị tai nạn trong trường, đang cấp cứu ở bệnh viện và yêu cầu họ chuyển tiền gấp vào tài khoản để phẫu thuật cứu con.

Với kịch bản đã được dàn dựng sẵn, các đối tượng lừa đảo liên tục gọi điện thoại nhằm thao túng tâm lý phụ huynh. Trong đó, một số phụ huynh có con học tại Vinschool, hệ thống Trường quốc tế Việt - Úc… đã chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo với số tiền từ 15 - 70 triệu đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước