Ông Đinh La Thăng phủ nhận vai trò chính trong vụ án. Ảnh: PLO.
Ngày 17/12, tại phiên tòa xét xử vụ sai phạm liên quan đến việc thu phí đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương gây thiệt hại hơn 725 tỷ đồng, cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục chất vấn các bị cáo.
Bị cáo Đinh La Thăng, Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, nguyên Chủ tịch Hội đồng định giá quyền thu phí đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương), 5 đồng phạm (nguyên lãnh đạo, cán bộ nhà nước) ra tòa về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Làm rõ các cuộc gọi giữa Đinh La Thăng và Đinh Ngọc Hệ
Tại tòa, bị cáo Dương Tuấn Minh (nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long - Bộ GTVT, viết tắt: Tổng Công ty Cửu Long) thừa nhận nội dung đại diện VKSND TP cáo buộc trước đó.
Theo đại diện cơ quan công tố, tháng 2-2012, Đinh Ngọc Hệ (nguyên Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng) nhờ Đinh La Thăng điện thoại trực tiếp Dương Tuấn Minh. Qua đó, ông Thăng giới thiệu Hệ, đề nghị Minh sắp xếp thời gian làm việc. Hai ngày sau, Hệ liên hệ và xưng là "Út" ở Tổng Công ty Thái Sơn, do Đinh La Thăng giới thiệu đến làm việc. Nghe vậy, Minh hẹn Hệ tuần sau. Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng không đồng ý. Qua điện thoại, ông Thăng tiếp tục yêu cầu Minh bố trí lịch làm việc. Sau đó, Hệ cùng cấp dưới có hai lần đến phòng làm việc của Minh. Hai bên trao đổi về việc tham gia đấu giá quyền cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Bị cáo Dương Thị Trâm Anh (nguyên Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Cửu Long kiêm Tổ trưởng Tổ thường trực giúp việc Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí cao tốc) khai nhận trong quá trình xây dựng đề án chuyển giao quyền thu phí, bị cáo có nhận điện thoại do ông Nguyễn Xuân Ảnh (thư ký ông Đinh La Thăng thời điểm đó) gọi đến. Làm việc với cơ quan điều tra, ông Ảnh phủ nhận sự việc này.
Ngược lại, bị cáo Đinh La Thăng tiếp tục phủ nhận việc quen biết, "ưu ái" Đinh Ngọc Hệ. Tương tự, bị cáo Đinh Ngọc Hệ một mực khai rằng ông Thăng không hề có tác động, hỗ trợ bất cứ điều gì. Bị cáo Hệ biết Công ty Cửu Long muốn bán đấu giá quyền thu phí cao tốc qua chương trình truyền hình.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ trả lời xét hỏi. Ảnh: PLO.
Để làm rõ mối quan hệ giữa ông Đinh La Thăng và người của Công ty Yên Khánh, cơ quan điều tra đã thu thập đã thu thập thư tín, điện tín. Theo đó, dữ liệu thu thập được từ mạng viễn thông, xác định giữa Đinh La Thăng và Đinh Ngọc Hệ có liên lạc trao đổi với nhau 22 cuộc gọi trong tháng 10, 11 năm 2013, 50 cuộc gọi, 35 tin nhắn trong năm 2016. Đinh La Thăng và Dương Tuấn Minh có liên lạc với nhau 3 cuộc gọi trong tháng 2/2012.
Đinh Ngọc Hệ và Dương Tuấn Minh đã liên lạc với nhau 24 cuộc gọi trong thời gian năm 2016-2017. Từ tháng 6/2016 - 7/2017, Đinh Ngọc Hệ đã liên hệ với các nhân viên Công ty Yên Khánh 1981 cuộc gọi, 2103 tin nhắn.
Trong phần xét hỏi, đại diện cơ quan công tố đặt các câu hỏi liên quan tới cuộc gọi giữa ông Thăng và ông Hệ thì ông Thăng cho rằng những cuộc gọi này là bình thường và không ai yêu cầu hạn chế số lượng cuộc gọi đối với từng người.
Chịu trách nhiệm là người đứng đầu
Theo cáo buộc, ông Đinh La Thăng đã có một số hành vi sai phạm, từ đó, tạo điều kiện cho Đinh Ngọc Hệ lừa đảo chiếm đoạt số tiền 725 tỷ đồng. Trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho mình, ông Thăng khẳng định cáo trạng quy kết không đúng.
"Bản thân tôi rất tôn trọng Viện Kiểm sát nhưng nội dung cáo trạng là không đúng, không có căn cứ, suy diễn, quy chụp", cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình bày tại tòa.
Cáo trạng quy buộc ông Đinh La Thăng chịu trách nhiệm chính trong vụ án. Về cáo buộc này, ông Thăng phủ nhận toàn bộ. Ông Thăng cho rằng mình chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ, chịu trách nhiệm là người đứng đầu, trách nhiệm hành chính. Bên cạnh đó, ông Thăng cho rằng việc cơ quan tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông là không có căn cứ.
Cáo trạng nêu tất cả văn bản Thứ trưởng ký đều gửi Bộ trưởng thì Bộ trưởng phải biết và chịu trách nhiệm việc đó. Ông Thăng nói không có văn bản nào quy định Bộ trưởng phải biết và chịu trách nhiệm trước pháp luật như vậy.
Tiếp đó, các luật sư hỏi các bị cáo để làm rõ việc bán đấu giá quyền thu phí cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương giữa Công ty Cửu Long và Công ty Yên Khánh. Theo đó, Công ty Cửu Long nhận số tiền hơn 2.000 tỷ đồng và Công ty Yên Khánh sẽ nhận quyền thu phí trong thời gian 5 năm. Đại diện Công ty Yên Khánh cho biết công ty này trả tiền quyền thu phí, sau đó thu phí "lời ăn, lỗ chịu".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!