Đa phần thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí. Khi xảy ra vụ việc, nạn nhân bị các đối tượng giả mạo công an uy hiếp về tinh thần nên không trình báo, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Mới đây, công an phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội đã kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo bằng hình thức gọi video call giả danh công an, ngay tại thời điểm nạn nhân chuẩn bị chuyển số tiền hơn 3 tỷ đồng cho các đối tượng tội phạm.
Nhận được cuộc gọi bằng hình ảnh của đối tượng tự xưng là công an, thông báo số tiền hơn 3 tỷ đồng bà Thu (Đức Giang, Long Biên, Hà Nội) đang gửi ở ngân hàng là thu lợi bất chính từ một đường dây mua bán ma túy với số lượng lớn, đối tượng yêu cầu vợ chồng bà Thu phải ngay lập tức ra ngân hàng, chuyển số tiền từ 2 sổ tiết kiệm sang 1 tài khoản khác để cơ quan an ninh theo dõi. Toàn bộ hành trình di chuyển ra ngân hàng, đối tượng giả danh công an liên tục thúc ép, theo dõi mọi diễn biến qua điện thoại.
Bà Phạm Thị Huyền Thu, Đức Giang, Long Biên, Hà Nội, cho biết: "Tôi rất ngỡ ngàng, tôi bảo tôi không liên quan gì đâu anh ạ, thế nó bảo bây giờ bác có tiền, tiền này ở đâu ra. Tôi bảo đây là tiền tôi bán nhà bên Đại Kim, mua nhà bên này còn một ít thì tôi gửi tiết kiệm".
Với hình thức lừa đảo công nghệ cao như hiện nay, đặc biệt là chiêu trò sử dụng hình ảnh mạo danh công an bằng kỹ thuật số, không ít nạn nhân đã bị chiếm đoạt số tiền không hề nhỏ.
Nhận thấy thái độ lo lắng, sợ sệt khi yêu cầu rút một số tiền lớn trước thời hạn của 2 vị khách cao tuổi, nhân viên của ngân hàng đã tìm mọi cách động viên, tìm hiểu lý do rút tiền, nhưng ông Thảo và bà Thu kiên quyết giữ kín theo chỉ đạo của đối tượng mạo danh công an.
"Thấy các bác rất sợ sệt, không dám kể lại, không dám nói ra, không tin tưởng vào nhân viên ngân hàng, kiểu như có ai đe dọa, thúc ép. Ngân hàng khẳng định có hiện tượng lừa đảo", bà Phạm Thị Tuyết Mai, Giám đốc phòng giao dịch Việt Hưng - Ngân hàng BIDV, cho hay.
Vừa trì hoãn bằng các biện pháp nghiệp vụ để không cho khách rút tiền, đồng thời nhân viên ngân hàng ngay lập tức liên hệ với Công an phường Đức Giang, quận Long biên để phối hợp giải quyết. Chỉ đến khi cán bộ công an trực tiếp nói chuyện với đối tượng lừa đảo, ông Thảo mới tin rằng cả 2 vợ chồng đã bị lừa.
"Tôi tin là vì nó mặc sắc phục công an, xưng danh công an, có cả số hiệu. Tôi đã nghi ngờ rồi nhưng tôi vẫn phải thực hiện vì công an yêu cầu", ông Trần Thảo, Đức Giang, Long Biên, Hà Nội, chia sẻ.
Nhờ ngăn chặn kịp thời nên số tiền hơn 3 tỷ đồng của vợ chồng ông Thảo chưa bị kẻ gian chiếm đoạt. Tuy nhiên với hình thức lừa đảo công nghệ cao như hiện nay, đặc biệt là chiêu trò sử dụng hình ảnh mạo danh công an bằng kỹ thuật số, không ít nạn nhân đã bị chiếm đoạt số tiền không hề nhỏ.
"Cơ quan công an không bao giờ yêu cầu người dân làm việc qua điện thoại. Khi có yêu cầu làm việc đều gửi văn bản giấy tờ và làm việc tại cơ quan công an, không gọi video. Các đối tượng sử dụng công nghệ cao như công nghệ deepfake, mạo danh công an để gọi điện cho người bị hại nhằm uy hiếp tinh thần", Thiếu tá Trần Hải Long, Phó trưởng Công an phường Đức Giang, Long Biên, Hà Nội, thông tin.
Để nâng cao cảnh giác cho người dân, công an quận Long Biên đã in hàng chục nghìn tờ rơi, dán ở các chung cư , siêu thị , ngân hàng và những địa điểm đông người qua lại, trong đó nêu rõ 21 thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng tội phạm công nghệ cao; kết hợp với các hệ thống loa truyền thanh cố định và di động, liên tục tuyên truyền để người dân biết cách phòng tránh, không bị kẻ gian chiếm đoạt tài sản bằng những thủ đoạn công nghệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!