Thủ đoạn của các đối tượng nhập cảnh trái phép ngày càng tinh vi: móc nối với người Việt Nam để dễ dàng lọt sâu vào nội địa, chia nhiều người điều hành theo từng đoạn đường di chuyển. Mục đích của các đối tượng cầm đầu là cắt đứt mối liên hệ của từng nhóm tổ chức nếu lực lượng chức năng phát hiện.
Tan Yu sống tại một tỉnh vùng nông thôn ở Trung Quốc, làm nghề tự do như nhiều trường hợp khác. Các đối tượng đều nhập cảnh trái phép vào Việt Nam theo phương thức qua các tỉnh miền núi phía Bắc, sau đó về Hà Nội rồi vào các tỉnh Tây Nam Bộ để sang Campuchia tìm việc làm.
Các đối tượng nhập cảnh trái phép được đưa vào khu cách ly tập trung
Để tổ chức cho các đối tượng Trung Quốc xuất nhập cảnh trái phép, Nguyễn Văn Út ở TP Hồ Chí Minh đã móc nối với các đối tượng khác tìm chỗ ở và phương tiện vận chuyển. Từ Bắc vào Nam, ở mỗi khu vực di chuyển là một đối tượng khác. Chia nhỏ phân khúc là thủ đoạn của các đối tượng này.
Dọc tuyến biên giới của tỉnh An Giang có gần 200 chốt kiểm soát và các chốt cách nhau chỉ vài trăm mét. An Giang không chỉ là địa bàn các đối tượng nhập cảnh trái phép quá cảnh sang nước thứ 3, đối diện địa phương này là 2 tỉnh của Campuchia có trên 28.000 Việt kiều sinh sống. Vì vậy, nguy cơ nhập cảnh trái phép từ đây cũng rất đáng lo ngại trước diễn biến dịch COVID-19 đang phức tạp như hiện nay.
Từ đầu năm đến nay, công an Tỉnh An Giang đã phát hiện 11 đường dây chuyên tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép. Trong đó phát hiện xử lý 59 người Trung Quốc và hơn 100 người Việt Nam.
Hiện những chế tài xử phạt cho hành vi nhập cảnh trái phép được cho là chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, cần có những quy định cứng rắn, rõ ràng, quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép. Đặc biệt khi diễn biến dịch bệnh COVID-19 đang rất phức tạp và nguy hiểm, nhập cảnh trái phép có thể dẫn đến lây lan dịch bệnh trong cộng đồng mà không thể nắm được nguồn gốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!