Vì sao nguyên Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh bị bắt?

Anh Tuấn (VTV Digital)-Thứ sáu, ngày 25/09/2020 21:24 GMT+7

VTV.vn - Trên cương vị Giám đốc BV Bạch Mai (2009-2019), ông Nguyễn Quốc Anh đã có nhiều sai phạm, gây thiệt hại lớn về tiền, tài sản người bệnh và tiền BHYT.

Tài liệu điều tra xác minh thể hiện, trong thời gian từ 2009-2019, ông Nguyễn Quốc Anh với cương vị là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc BV Bạch Mai đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện các đề án xã hội hóa, có nhiều dấu hiệu sai phạm trong điều hành, quản lý, vì động cơ cá nhân đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Bộ y tế, của Chính phủ và pháp luật, gây thiệt hại lớn về tiền, tài sản của các người bệnh và tiền của Bảo hiểm y tế.

Vì sao nguyên Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh bị bắt? - Ảnh 1.

Từ trái sang phải: Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai; Trịnh Thị Thuận, kế toán trưởng, trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại bệnh viện Bạch Mai, chiều nay, Cơ quan cảnh sát điều tra C03 Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam thêm 3 đối tượng để phục vụ công tác điều tra, lần lượt gồm: Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai và Trịnh Thị Thuận, kế toán trưởng, trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai. 3 đối tượng này đang bị điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Hàng loạt sai phạm khi thực hiện liên doanh liên kết


Vì sao nguyên Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh bị bắt? - Ảnh 2.

Robot hỗ trợ mổ sọ não Rosa bị "thổi giá" hàng chục tỷ đồng trong đề án liên doanh, liên kết lắp đặt hệ thống phẫu thuật sọ não có sử dụng công nghệ robot trợ giúp chính xác của BV Bạch Mai

Từ năm 2007 đến nay, bệnh viện Bạch Mai đã triển khai 35 đề án xã hội hóa liên doanh liên kết hoặc góp vốn liên doanh với các doanh nghiệp và cán bộ nhân viên để đặt máy, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại một số khoa của bệnh viện. Ngoài 10 đền án đã thanh lý hợp đồng, hiện còn 27 đề án xã hội hóa đang hoạt động. Trong đó 23 đề án liên doanh liên kết với 10 đối tác là các công ty và 2 đề án do cán bộ công nhân viên tại các Khoa, Trung tâm của bệnh viện Bạch Mai góp vốn thực hiện. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng doanh thu khám chữa bệnh của 25 đề án là 2.561 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, các đối tác hưởng 987,8 tỷ đồng; bệnh viện thu về 725, 54 tỷ đồng. Trong đó các Khoa, Trung tâm của bệnh viện được hưởng 209,65 tỷ đồng. Còn lại số tiền 515,9 tỷ đồng nhập vào các quỹ đầu tư phát triển và quỹ lương, thu nhập tăng thêm của bệnh viện được quản lý tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội….

Tài liệu điều tra xác minh thể hiện, trong thời gian từ 2009-2019, ông Nguyễn Quốc Anh với cương vị là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện đã trực tiếp chỉ đạo thực hiện các đề án xã hội hóa, có nhiều dấu hiệu sai phạm trong điều hành, quản lý, vì động cơ cá nhân đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Bộ y tế, của Chính phủ và pháp luật, gây thiệt hại lớn về tiền, tài sản của các người bệnh và tiền của Bảo hiểm y tế. Bước đầu điều tra về các đề án xã hội hóa, C03 đã làm rõ các vi phạm của ông Nguyễn Quốc Anh trong quá trình triển khai thực hiện đề án liên doanh, liên kết lắp đặt hệ thống phẫu thuật sọ não có sử dụng công nghệ robot trợ giúp chính xác Rosa giữa bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS. Còn các đề án xã hội hóa khác, C03 đang tiếp tục điều tra mở rộng.

Bước đầu C03 đã xác minh, thu thập làm rõ 3/27 hệ thống máy tại Bệnh viện Bạch Mai liên quan đến Công ty cổ phần y tế BMS; Công ty TNHH Công nghệ y Tế Hà Nội; Công ty Cổ phần thương mại Cổng Vàng đã xác định được một số sai phạm. Cụ thể, quá trình triển khai bệnh viện Bạch Mai xảy ra nhiều sai sót về quy trình, thủ tục theo quy định tại Thông tư 15 của Bộ Y tế; Thông tư 45 của Bộ Tài chính và Nghị định 16 của chính phủ. Như việc ban hành chủ trương liên doanh, liên kết không có văn bản thống nhất giữa Ban Giám đốc, Đảng ủy và tổ chức công đoàn; không tổ chức lựa chọn đối tác liên kết theo quy định; chủng loại thiết bị, hình thức liên kết; đề án chưa được cơ quan quản lý Bộ y tế phê duyệt; vi phạm nguyên tắc xác định giá trị tài sản dùng để liên doanh, liên kết; xác định nguyên giá tài sản cố định và khấu hao… dẫn tới các công ty nâng giá thiết bị đưa vào liên doanh liên kết gây thiệt hại cho người bệnh và quỹ bảo hiểm y tế.

Mập mờ cách tính chi phí phẫu thuật bằng robot

Theo tài liệu điều tra, hệ thống thiết bị robot Rosa khi được nhập khẩu chỉ có trị giá 7,4 tỉ đồng- nhưng khi triển khai liên doanh liên kết tại bệnh viện Bạch Mai, thiết bị này được thổi giá lên đến 39 tỷ đồng. Với việc nâng khống giá trị máy lên gấp hơn 5 lần khi nhập khẩu, cơ quan điều tra xác định, khi thực hiện đề án- Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai đã tính giá và thu của bệnh nhân số tiền cao gấp hơn 5 lần số tiền mà đáng ra người bệnh phải trả.

Cụ thể, đối với mỗi ca phẫu thuật mổ não bằng robot Rosa, người bệnh sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả mà phải thanh toán 100%. Ngoài các chi phí ngày giường chuyên khoa, chấn đoán hình ảnh, thuốc, dịch truyền… thì 2 khoản chi phí lớn nhất là thủ thuật, phẫu thuật và vật tư kỹ thuật chi phí lớn. Theo đề án, chi phí thủ thuật, phẫu thuật mỗi một ca mổ bằng robot Rosa là 36 triệu 164 ngàn đồng…. Ngoài khoản tiền này, thì người bệnh còn phải chi trả thêm một khoản tiền lớn nữa là vật tư kỹ thuật chi phí lớn, dao động ở mức 40 triệu-70 triệu đồng, tùy từng ca bệnh khác nhau.

Phóng viên VTV đã tiếp xúc với nhiều bệnh nhân từng được bác sĩ chỉ định phẫu thuật bằng robot Rosa tại bệnh viện Bạch Mai. Trường hợp chi phí mổ thấp nhất dao động ở mức 90 triệu đồng, nhiều trường hợp chi phí mổ bằng robot lên đến 140 -150 triệu đồng.

"Tôi không biết chữ biết nghĩa gì, chị dâu thanh toán xong chị bảo là của chú hết ngựng này còn ngựng này tiền. Tôi cũng lo, cũng sốt ruột. Vay một đống tiền chưa biết bao giờ mới trả hết được"

Anh Phạm Văn Tiền ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, người nhà bệnh nhân chia sẻ về khoản chi phí sau ca phẫu thuật.


Nhiều gia đình bệnh nhân cũng chia sẻ, họ chưa rõ khoản tiền phẫu thuật, thủ thuật và vật tư kỹ thuật chi phí lớn trong bảng chi phí gồm cụ thể những khoản gì. "Bác sĩ bảo nộp bao nhiêu thì chúng tôi chỉ biết vậy thôi. Nói chung một ca mổ là hết 140 triệu đồng"- bệnh nhân Cao Thị Gái, ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định kể.

'Thổi giá' thiết bị y tế ở BV Bạch Mai, người bệnh bị 'móc túi' 10 tỷ đồng "Thổi giá" thiết bị y tế ở BV Bạch Mai, người bệnh bị "móc túi" 10 tỷ đồng

VTV.vn - Theo luật sư, hiện đang có khoảng trống ở khâu thẩm định giá trang thiết bị tại các hợp đồng liên kết, tạo kẽ hở để các đối tượng trục lợi.

Ăn chia trên đầu bệnh nhân


Vì sao nguyên Giám đốc BV Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh bị bắt? - Ảnh 5.

Với mỗi ca phẫu thuật, bệnh nhân đã phải chi ra số tiền gấp vài lần so với chi phí gốc (Ảnh minh họa)

Trong quá trình xây dựng đề án liên doanh liên kết và khi ký kết hợp đồng thì đều đưa ra phương án về tài chính và phân chia lợi nhuận… Trong đó, khi xây dựng chi phí sử dụng hệ thống robot Rosa đối với mỗi ca bệnh thì ngoài chi phí duy tu bảo dưỡng, bảo trì trang thiết bị; chi phí khấu hao; chi phí quản lý đào tạo… thì còn bao gồm cả chi phí tiền công tiền lương cho các y bác sĩ. Việc xây dựng cơ cấu tính giá đó là phù hợp theo quy định việc liên doanh liên kết. Tuy nhiên, cũng từ chính điều này dẫn đến một thực tế là: có tình trạng tăng hoặc lạm dụng chỉ định sử dụng trang thiết bị y tế xã hội hóa trong dịch vụ khám chữa bệnh làm gia tăng gánh nặng chi phí cho người bệnh.

Kết quả xác minh thu thập tài liệu cũng cho thấy, từ 2% - 7% doanh thu của các hệ thống máy đã được chuyển về các khoa hưởng. Chỉ tính 25 đề án mà BV đã triển khai thì các khoa thuộc bệnh viện Bạch Mai đã thu được khoảng 209 tỷ đồng. Riêng Khoa Chẩn đoán hình ảnh được nhận 134,4 tỷ đồng. Số tiền thu trên sau khi bệnh viện trích về các khoa đã chi cho nhân viên và các lãnh đạo khoa, lãnh đạo bệnh viện, trong đó có một số cá nhân là lãnh đạo các khoa đã được chia số tiền hơn 5 tỷ đồng từ nguồn thu trên. Việc các khoa được hưởng số tiền lớn nêu trên có dấu hiệu của hành vi lập quỹ trái phép và hành vi vụ lợi.

Theo tài liệu điều tra, từ năm 2007, bệnh viện Bạch Mai đã triển khai 35 đề án xã hội hóa với 6 doanh nghiệp tham gia liên doanh liên kết để đặt máy, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh. Đến nay, còn 25 đề án đang hoạt động. Tính đến ngày 31.12.2019, tổng doanh thu khám chữa bệnh của 25 đề án này là 2.561 tỷ đồng. Sau khi trừ hết chi phí, các doanh nghiệp hưởng 987,8 tỷ đồng; bệnh viện và các khoa thu về 725, 54 tỷ đồng.

Việc bắt giữ các đối tượng phạm tội có liên quan trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai đã chỉ ra những mảng tối tiêu cực trong hoạt động liên doanh liên kết xã hội hóa việc đầu tư trang thiết bị y tế tại các bệnh viện hiện nay. Lãnh đạo Bộ Công an khẳng định, mục tiêu lớn nhất của vụ án này là làm lành mạnh hóa trong công tác khám chữa bệnh, giúp người dân được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh đúng với chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. 

Với việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, Bộ Y tế đã họp yêu cầu các bệnh viện rà soát toàn bộ quy trình áp dụng giá dịch vụ khám chữa bệnh... và bệnh viện Bạch Mai đã giảm giá hàng loạt dịch vụ khám chữa bệnh tại viện về bằng với giá bảo hiểm xã hội, về lâu dài sẽ giảm chi phí khám chữa bệnh lên đến hàng nghìn tỷ đồng cho người dân. 

Lãnh đạo Bộ Công an cũng nhấn mạnh, vụ án là hồi chuông cảnh tỉnh đối với một bộ phận lãnh đạo bệnh viện, y bác sĩ thiếu đạo đức, lương tâm nghề y… đã tiếp tay cho các đối tượng trục lợi trên nỗi đau của người bệnh.

Bệnh nhân chi gấp 5 lần tiền cho 1 ca phẫu thuật vì robot mổ ở BV Bạch Mai bị 'thổi giá' Bệnh nhân chi gấp 5 lần tiền cho 1 ca phẫu thuật vì robot mổ ở BV Bạch Mai bị "thổi giá"

VTV.vn - Thay vì trả 4 triệu đồng cho 1 ca phẫu thuật, số tiền bệnh nhân phải trả là 23 triệu đồng do thiết bị dùng cho ca mổ này ở BV Bạch Mai bị khống giá trị thực lên tới 5 lần.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước