2 bị cáo "kêu oan", đề nghị hoãn xét xử
Ngày 9/4, Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử bị cáo về các tội vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, liên quan tới vụ án "Vi phạm quy định về đấu giá tài sản", xảy ra tại huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Khi làm thủ tục khai mạc, thư ký phiên tòa thông báo một số người liên quan cùng 4/5 luật sư bào chữa của bà Nguyễn Thị Loan vắng mặt. Để đảm bảo quyền lợi, bà Nguyễn Thị Loan cũng đã phát biểu ý kiến, đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. Một luật sư bào chữa cho bà Loan cũng cho hay, nếu phiên tòa phải tạm hoãn, lần sau tái mở xin đề nghị triệu tập thêm Công ty thẩm định giá VNG.
Cụ thể, Luật sư Trương Quốc Hòe, người bào chữa cho bà Loan đề nghị hoãn phiên tòa và đề nghị HĐXX trong phiên tòa tới triệu tập thêm Công ty thẩm định giá VNG. Đây là công ty thẩm định giá được Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thuê thẩm định theo luật thẩm định giá. Theo vị luật sư này, chứng thư ngày 18/3/2022 của Công ty VNG Việt Nam được Hội đồng định giá xác định giá tại thời điểm tháng 10/2020. Trong khi tại thời điểm tháng 10/2020 là căn cứ để đối trừ xác định thiệt hại.
Nêu quan điểm tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát (VKS) cho rằng, việc vắng mặt người tham gia tố tụng sẽ ảnh hưởng đến phiên xét xử nên mong HĐXX cân nhắc.
Tuy nhiên, sau khi hội ý, HĐXX quyết định tiếp tục phiên tòa vì cho rằng, các luật sư của bị cáo vắng mặt. Hơn nữa, tội danh mà bà Loan bị truy tố thuộc nhóm tội danh không bắt buộc phải có luật sư.
Ngay khi bắt đầu phần xét hỏi, HĐXX hỏi bà Nguyễn Thị Loan rằng, truy tố của VKS có đúng hay không? Trả lời HĐXX, bà Loan nói rằng: "Truy tố bị cáo là oan". Đồng thời, bà Loan tiếp tục đề nghị hoãn phiên tòa vì các luật sư vắng mặt, không đảm bảo quyền lợi.
Lúc này Luật sư Trương Quốc Hòe cho biết, sẽ nộp thêm tài liệu chứng cứ mới trong đầu giờ chiều nay. Chứng cứ mới liên quan đến thẩm định giá, so sánh các kết quả thẩm định giá và đề nghị triệu tập Công ty thẩm định giá VNG.
Đáng chú ý, trong phiên xét xử, không chỉ có mình bà Loan "kêu oan". Cụ thể, khi HĐXX hỏi bị cáo Trần Công Tuyên (cựu Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng và giải phóng mặt bằng thuộc Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh): "Truy tố có đúng hay không?", bị cáo Tuyên nói rằng: "Ngay từ khi làm việc với CQĐT, bị cáo đã không đồng tình với kết luận điều tra".
Trước những diễn biến liên tục "kêu oan" này, HĐXX đã tiếp tục phải hội ý lần 2. Sau khi hội ý, HĐXX xét thấy vắng mặt nhiều luật sư và cần có thời gian để cho các luật sư và bị cáo cung cấp thêm một số tài liệu, chứng cứ mới nên đã quyết định hoãn phiên tòa xét xử, rời ngày xét xử sang ngày 17/4/2024.
Bà Nguyễn Thị Loan "kêu oan" vì không có quyền điều hành các công ty tham gia đấu giá
Tại tòa, bà Nguyễn Thị Loan cho rằng bà hoàn toàn không có tư cách để thực hiện khắc phục hậu quả. Theo đó, số tiền hơn 580 tỷ đồng là do Công ty Bắc Từ Liêm nộp vào Ngân sách Nhà nước để thực hiện nghĩa vụ của mình. Bà Loan hoàn toàn không có quyền điều hành 3 doanh nghiệp tham gia đấu giá, bà cũng không phải là tổ chức trúng đấu giá nên cũng không có tư cách gì để khắc phục hậu quả.
Theo các tài liệu liên quan, bà Nguyễn Thị Loan là người có vốn sở hữu tại 3 công ty là Công ty Bắc Từ Liêm, Công ty Mỹ Đình, Công ty Thanh Trì với tỉ lệ cổ phần là 20% (cổ đông nắm giữ cổ phần tại Công ty Bắc Từ Liêm thời điểm năm 2020). Cụ thể: Công ty Bắc Từ Liêm được thành lập ngày 31/8/2015, giai đoạn 2016-2021 thực hiện đầu tư xây dựng "Dự án công trình thương mại, dịch vụ, văn phòng và nhà ở, công trình dịch vụ và gara cao tầng (kết hợp trạm xăng)" trong ô đất B4 khu đô thị mới Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội (văn bản số 1796/UBND-QHKT ngày 25/3/2016).
Tại Công ty Bắc Từ Liêm, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh tỷ lệ góp vốn 20% cổ phần tại Công ty Bắc Từ Liêm (bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh nhận ủy thác quản lý vốn góp cho bà Nguyễn Thị Loan tại Công ty Bắc Từ Liêm). Cổ đông gồm ông Nguyễn Vĩnh Huy đại diện phần vốn góp của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương chiếm tỷ lệ 25%, số còn lại do Công ty cổ phần dược phẩm Vimedimex 2 nắm giữ, với tỷ lệ 55% cổ phần tại Công ty Bắc Từ Liêm.
Trong 55% cổ phần mà Vimedimex 2 nắm giữ, có 50% cổ phần đại diện cho các cổ đông gồm ông Nguyễn Mạnh Minh chiếm tỷ lệ 10%; ông Nguyễn Tiến Hùng chiếm tỷ lệ 10%; ông Lê Quang Thanh chiếm tỷ lệ 10%; bà Trần Thị Thúy Hạnh chiếm tỷ lệ 10%; bà Cao Thị Đề chiếm tỷ lệ 10% và cuối cùng là bà Nguyễn Ngọc Dung chiếm tỷ lệ 5% cổ phần.
Tại Công ty Mỹ Đình, doanh nghiệp được thành lập ngày 07/01/2015, thực hiện đầu tư xây dựng Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở cao tầng dịch vụ trong ô đất CT8, Khu đô thị mới Mỹ Đình, Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cổ đông nắm giữ cổ phần tại Công ty Mỹ Đình thời điểm năm 2020 gồm: Ông Phương Xuân Thụy đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Phương chiếm tỷ lệ 25%; Công ty Vimedimex chiếm tỷ lệ 65%; Công ty Vimedimex nhận ủy thác đầu tư 10% và ông Quản Xuân Dũng nhận ủy thác đầu tư 10% cho Bà Nguyễn Thị Loan tại Công ty Mỹ Đình.
Tại Công ty Thanh Trì, doanh nghiệp được thành lập ngày 24/11/2014, thực hiện đầu tư xây dựng "Dự án Tổ hợp văn phòng, nhà chung cư, biệt thự, dịch vụ thương mại, khu cây xanh công cộng và các chức năng khác tại xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội" (văn bản số 9876/UBND-XDGT, ngày 12 tháng 03 năm 2015 của UBND TP Hà Nội), các cổ đông nắm giữ cổ phần tại Công ty Thanh Trì gồm: (1) Bà Trịnh Ngọc Duyên nhận ủy thác đầu tư tỷ lệ góp vốn 40% cổ phần và bà Trần Thùy Linh nhận ủy thác quản lý vốn góp 25%; (2) bà Nguyễn Thị Hải nhận ủy thác đầu tư tỷ lệ góp vốn 25% cổ phần và ông Phạm Ngọc Quân nhận ủy thác đầu tư tỷ lệ góp vốn 8% cổ phần cho Bà Nguyễn Thị Loan.
Từ hồ sơ doanh nghiệp này, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Doanh Nghiệp 2014 thì bà Nguyễn Thị Loan chỉ có tư cách là cổ đông tại các công ty này. Cùng với đó, bà Loan không có quyền điều hành 3 doanh nghiệp này. Bà Loan có quyền yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết.
"Mọi hoạt động liên quan đến định hướng phát triển của công ty đối với loại hình Công ty Cổ phần phải được biểu quyết và được thông qua tại đại hội đồng cổ đông quy định tại Điều 135 của Luật Doanh Nghiệp 2014" - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật nói.
Những nhận định của Luật sư Diệp Năng Bình cũng có nhiều điểm đồng nhất với văn bản số 385/HLGVN, ngày 28/11/2023 của Hội luật gia Việt Nam. Theo đó, cơ quan này cho rằng, Công ty Bắc Từ Liêm, Công ty Mỹ Đình, Công ty Thanh Trì hoàn toàn không phải là công ty thành viên, không có phần vốn góp, là pháp nhân độc lập với Công ty Vimedimex, nhưng chỉ cùng sử dụng thương hiệu Vimefulland và theo mô hình tổ chức quản lý dự án để đầu tư, khai thác và thực hiện các dự án đầu tư.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Điều lệ của Công ty Vimedimex, Điều lệ của từng Công ty nói trên, nhất là Hợp đồng sử dụng bản quyền thương hiệu Vimefulland và sử dụng Mô hình tổ chức quản lý dự án của Công ty Vimedimex ký kết với các công ty thì với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vimedimex, bà Loan được quyền trao đổi, nắm bắt thông tin và phối hợp trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động của các công ty cùng sử dụng bản quyền thương hiệu Vimefulland và cùng sử dụng Mô hình tổ chức quản lý dự án.
Hội Luật gia nhận định, việc 3 công ty cùng nộp hồ sơ tham gia đấu giá Dự án Cổ Dương là phù hợp với các quy định tại Điều 55, Điều 56, khoản 3, Điều 58, Luật Đất đai và Điều 14, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2013, theo đó đã quy định các điều kiện được giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư. Đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 4, Điều 38, Luật Đấu giá tài sản; đồng thời, phù hợp với các quy định pháp luật khác có liên quan tại thời điểm nộp hồ sơ tham gia đấu giá Dự án Cổ Dương.
Liên quan đến việc truy tố bà Nguyễn Thị Loan (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Y dược Vimedimex) về tội "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" theo điều 218 Bộ luật Hình sự, Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh: "Cơ quan điều tra phải làm rõ về việc có hay không bà Loan và các lãnh đạo công ty thông đồng với các bị can khác. Hay nói cách khác là các cơ quan này sẽ điều tra hành vi sai phạm của các bị can trong quá trình thẩm định, ban hành chứng thư định giá đất thuộc dự án đấu giá quyền sử dụng đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội. Nếu như trong quá trình điều tra phát hiện có dấu hiệu về việc thông đồng hay biết trước về hành vi vi phạm trên mới có thể khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản quy định tại Điều 218 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!