Các bị cáo tại phiên tòa cấp phúc thẩm. (Ảnh: NLĐ)
Sáng 18/7, Tòa án Quân sự Trung ương đã đưa ra phán quyết với các bị cáo kháng cáo trong vụ án liên quan đến kit xét nghiệm Việt Á xảy ra tại Học viện Quân y, Công ty CP công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á) và một số đơn vị liên quan sau gần 2 ngày xét xử.
Tòa phúc thẩm quyết định chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ Các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ), Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á), Hồ Anh Sơn (cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y) và 4 bị cáo khác.
Theo đó, với tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, hội đồng xét xử tuyên giảm án cho bị cáo Trịnh Thanh Hùng từ 15 năm xuống còn 13 năm tù, Phan Quốc Việt từ 15 năm xuống còn 13 năm tù, Hồ Anh Sơn (cựu Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y) từ 12 năm xuống còn 10 năm tù.
Ở tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, tòa tuyên giảm án cho bị cáo Phan Quốc Việt từ 10 năm xuống còn 9 năm tù, Nguyễn Văn Hiệu (cựu Trưởng phòng trang bị vật tư) từ 7 năm xuống còn 5 năm tù, Lê Trường Minh (cựu Trưởng ban hóa dược) từ 6 năm xuống còn 4 năm tù, Ngô Anh Tuấn (cựu Trưởng phòng tài chính, Học viện Quân y) từ 4 năm xuống còn 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) từ 6 năm xuống còn 4 năm tù.
Như vậy bị cáo Phan Quốc Việt, cộng với bản án 29 năm tù trong vụ án kit xét nghiệm xảy ra tại Bộ Y tế và một số bộ, ngành, địa phương liên quan, tổng hợp hình phạt chung cả 2 bản án là 30 năm tù.
Về dân sự, tòa không chấp nhận yêu cầu của Công ty Việt Á yêu cầu Học viện Quân y trả lại 10 tỷ đồng. Tòa vẫn buộc các cá nhân và đơn vị liên quan phải bồi thường hơn 12 tỷ đồng còn thiếu cho Học viện, trong đó, bị cáo Hồ Anh Sơn phải bồi thường 1,6 tỷ đồng, Việt Á 10,7 tỷ đồng.
Các bị cáo thành khẩn khai báo
Tòa phúc thẩm đánh giá 7 bị cáo đều có thái độ thành khẩn, tích cực hợp tác để làm rõ vụ án, tiếp tục khắc phục hậu quả sau phiên sơ thẩm. Các bị cáo thuộc Học viện Quân y có nhiều thành tích, cống hiến trong quá trình làm việc, góp phần đẩy lùi dịch bệnh trong giai đoạn khó khăn... nên cần cho hưởng chính sách khoan hồng.
Với Phan Quốc Việt, hội đồng xét xử ghi nhận Công ty Việt Á nộp thêm 200 triệu đồng để khắc phục cho bị cáo. Bản thân Việt và công ty có đóng góp công sức, máy móc cho công tác phòng, chống dịch bệnh…
Với ông Trịnh Thanh Hùng, trước khi phiên phúc thẩm diễn ra, bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi bất chính, vợ nộp thêm 50 triệu đồng để khắc phục hậu quả, đồng thời xuất trình nhiều giấy khen, bằng khen của người thân, được thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ có đơn xin giảm nhẹ…
Tương tự, bị cáo Hồ Anh Sơn cũng xuất trình bằng khen của UBND tỉnh Bắc Giang vì có công phòng chống dịch, được ghi nhận có nhiều đóng góp trong công tác giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học...
Vì vậy, hội đồng xét xử cho rằng đây là những tình tiết giảm nhẹ mới, nên cần giảm một phần hình phạt để đảm bảo tính khoan hồng với các bị cáo.
Theo cáo buộc, trong bối cảnh dịch COVID-19 có nguy cơ lây lan ở Việt Nam, Ban Giám đốc Học viện Quân y có công văn gửi Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ về việc "đề xuất nhiệm vụ phát triển kit chẩn đoán viêm phổi do virus Corona".
Do vụ lợi cá nhân, từ tháng 1/2020, Trịnh Thanh Hùng đã thông đồng với Phan Quốc Việt và Hồ Anh Sơn, đưa Công ty Việt Á vào tham gia Đề tài với vai trò là cơ quan phối hợp, sản xuất 20.000 kit test thử nghiệm, sau đó để Việt Á được cấp phép, sản xuất thương mại trái pháp luật.
Ngày 6/2/2020, Học viện Quân y ký hợp đồng thực hiện Đề tài với Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp Nhà nước; Vụ Bộ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - Kỹ thuật (Bộ Bộ Khoa học và Công nghệ), với tổng kinh phí đề tài 18,98 tỷ đồng.
Quá trình nghiên cứu đề tài, Hùng, Sơn, Việt xác định kit test Việt Á cung cấp tốt hơn nên thống nhất không đặt ra vấn đề Học viện Quân y chuyển giao quy trình nghiên cứu của mình để Việt Á sản xuất 20.000 kit test thử nghiệm.
Cơ quan tố tụng cáo buộc, Phan Quốc Việt cũng không yêu cầu Học viện Quân y chuyển giao quy trình nghiên cứu. 3 người trên đã đưa bộ kit test do Việt Á cung cấp (không được sản xuất theo quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y) đi thử nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và sử dụng sản phẩm này để nghiệm thu giai đoạn 1 của Đề tài và nghiệm thu Đề tài.
Hành vi gian dối của các bị can trong việc tiếp nhận, nghiên cứu, nghiệm thu, quyết toán số tiền Bộ Khoa học và Công nghệ giao Học viện Quân y nghiên cứu Đề tài, đã gây thiệt hại gần 18,5 tỷ đồng.
Hồ sơ vụ án xác định Trịnh Thanh Hùng được Phan Quốc Việt chi 350.000 USD. Ngoài ra, Phan Quốc Việt chi hơn 7,1 tỷ đồng cho nhóm cựu sĩ quan Học viện Quân y. Trong đó, bị cáo Hồ Anh Sơn nhận gần 2,5 tỷ đồng, ông ta còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vụ lợi cá nhân hơn 2,1 tỷ đồng từ việc mua bán tăm bông, ống môi trường.
Cũng theo cáo buộc, trong quá trình tham gia hỗ trợ phòng chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phía Nam, một số bị cáo thuộc Học viện Quân y đã vi phạm đấu thầu khi ứng trước kit test Việt Á, sau đó đã hợp thức hóa hồ sơ để thanh toán tiền cho Công ty Việt Á. Sai phạm về đấu thầu của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Học viện Quân y hơn 27 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!