Bà Trương Mỹ Lan không được toà án cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ bản án tử hình xuống chung thân. Ảnh: PLo
Ngày 3/12, sau một tuần nghị án kéo dài, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã tiến hành tuyên án phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan giai đoạn 1.
Theo đó, HĐXX phúc thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan tử hình về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ, 16 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Về trách nhiệm dân sự, tiếp tục buộc bị cáo Lan phải có trách nhiệm bồi thường cho SCB dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17/10/2022, tương đương số tiền là 673.800 tỉ đồng.
Theo HĐXX, bị cáo Trương Mỹ Lan là chủ Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng nhiều công ty khác hoạt động theo mô hình tập đoàn lấy Vạn Thịnh Phát làm trọng tâm, kiểm soát hoạt động của các công ty còn lại.
Sau khi biết ba ngân hàng là SCB, Ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng Đệ Nhất mất khả năng thanh khoản buộc phải hợp nhất hoặc mua lại, bị cáo Trương Mỹ Lan đã nhờ nhiều người thân tín, bạn bè đứng ra mua một lượng lớn cổ phần. Tính đến tháng 10/2022, bị cáo Lan đã thâu tóm, nắm giữ khoảng 91,5% cổ phần ngân hàng SCB.
Dù bị cáo Lan không nắm giữ các chức vụ tại SCB nhưng bị cáo này gián tiếp sở hữu trên 91% cổ phần của ngân hàng nên bị cáo Lan có quyền chi phối, quyết định các vấn đề của ngân hàng này và trở thành người quyết định cao nhất tại ngân hàng SCB.
Lợi dụng vai trò là cổ đông gần như tuyệt đối của SCB, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các bị cáo là lãnh đạo SCB như: Bùi Anh Dũng, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung, Võ Tấn Hoàng Văn… rút tiền ra khỏi SCB để phục vụ mục đích của mình. Điều này gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.
Hội đồng xét xử đánh giá bị cáo Trương Mỹ Lan phạm tội với vai trò tổ chức, chỉ đạo các bị cáo khác, một lúc thực hiện 3 hành vi phạm tội, gây ra thiệt hại đặc biệt lớn.
Do đó, tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt hình phạt chung cho cả 3 tội là tử hình là đúng người, đúng tội.
Mặc dù bị cáo Lan có ý thức nộp khắc phục hậu quả vụ án, tổng cộng số tiền một số người liên quan trả cho bị cáo là trên 20.000 tỉ đồng, bị cáo chủ động đưa hơn 440 tài sản chưa được định giá và dự án 6A (Trung Sơn, Bình Chánh) để khắc phục.
Tuy nhiên theo hội đồng xét xử, các tài sản này chưa đủ cơ sở pháp lý để xác định giá trị tài sản. Do vậy, chưa đủ cơ sở xác định bà Lan đã khắc phục được ¾ số tiền đã tham ô.
Tại cấp phúc thẩm bà Lan có sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, cố gắng khắc phục thiệt hại, đây là tình tiết giảm nhẹ mới nên viện kiểm sát đề nghị giảm nhẹ hình phạt về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng là có cơ sở.
Xét tổng thể thiệt hại của vụ án là đặc biệt lớn, bị cáo cùng lúc phạm nhiều tội nên không có cơ sở để giảm nhẹ về tội tham ô và đưa hối lộ.
Tuy nhiên, hội đồng xét xử cũng cho biết nếu sau khi bản án có hiệu lực pháp luật mà bị cáo Lan vẫn tích cực khắc phục ¾ tài sản tham ô thì sẽ được chuyển từ tử hình xuống chung thân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!