Ngoại giao đa phương: Việt Nam gặt hái nhiều thuận lợi

Xuân Quỳnh - Trọng Đức-Thứ ba, ngày 12/08/2014 14:46 GMT+7

Thông qua quan hệ ngoại giao với các tổ chức khu vực hay quốc tế, Việt Nam đã mang về cái lợi không chỉ đong đếm bằng các con số kinh tế, mà còn xây dựng trong mắt bạn bè thế giới hình ảnh quốc gia yêu chuộng hòa bình.

Ngoại giao đa phương tại các cơ chế, diễn đàn hợp tác khu vực, liên khu vực cũng như toàn cầu là vấn đề luôn được các quốc gia coi trọng. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Chính thông qua các cơ chế, diễn đàn đa phương này, các quốc gia, đặc biệt là các nước vừa và nhỏ, đều muốn nâng cao hình ảnh và vai trò trên trường quốc tế, tranh thủ nguồn lực ứng phó với những thách thức toàn cầu hiện nay.

Kể từ năm 1986 đến nay, ngoại giao Việt Nam đã tham gia vào các diễn đàn đa phương quan trọng nhất của thế giới ở cả ba cấp độ: khu vực, liên khu vực và toàn cầu, như ASEAN, LHQ, WTO, APEC... Thông qua chính những diễn đàn này, các nước đã biết tới Việt Nam có khả năng phối hợp với các quốc gia khác giải quyết các vấn đề toàn cầu. Hơn hết, họ biết tới đường lối ngoại giao hòa bình của Việt Nam cũng như tính trách nhiệm và tích cực của Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ sự ổn định, hòa bình của thế giới.

‘ Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh chụp ảnh trước cuộc họp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 tại Naypitaw, Myanmar. Ảnh: AFP.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Minh, Chuyên gia nghiên cứu Chính sách và quan hệ đối ngoại của Việt Nam nhận định: “Trong trật tự thế giới mở, nếu ta thể hiện tính trách nhiệm đối với vấn đề gìn giữ hòa bình của thế giới, thì khi ta gặp vấn đề, các quốc gia khác, đặc biệt là LHQ sẽ lên tiếng giúp đỡ. Hội nghị AMM47 và diễn đàn ARF đã lại một lần nữa ủng hộ quan điểm giải quyết xung đột trên Biển Đông một cách hòa bình của Việt Nam”.

Khẳng định lợi ích của ngoại giao đa phương, ông Trần Việt Thái, Giám đốc Trung tâm Khu vực và Chính sách đối ngoại, Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao nói: “Năm 2010, khi Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, chúng ta đã tranh thủ ký kết được hiệp định dẫn độ tội phạm với Thái Lan, từ đó các tội phạm chống phá nhà nước giảm đi đáng kể”.

Dưới góc độ kinh tế, nhờ quan hệ với Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), mỗi năm Việt Nam nhận được hàng trăm tỉ USD hỗ trợ phục vụ các mục tiêu của đất nước. Chính sự quan tâm của những định chế tài chính quốc tế hàng đầu này đã mở đường, tạo sự tin tưởng, kéo theo các quỹ đầu tư, dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam với mức trên dưới 20 tỷ USD những năm gần đây. Bên cạnh đó, việc đáp ứng các đòi hỏi gắt gao từ các diễn đàn, hiệp định kinh tế toàn cầu cũng chính là động lực để nền kinh tế Việt Nam vận động, cải tổ.

Bên cạnh kinh tế, lĩnh vực xã hội, đặc biệt là xóa đói giảm nghèo của Việt Nam cũng đã nhận được dòng vốn hỗ trợ lớn từ các tổ chức như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển châu Á. Ví dụ mới nhất là con số 4 tỷ USD mà Ngân hàng Thế giới dành cho Việt Nam thuộc lĩnh vực hạ tầng đô thị, y tế và chống biến đổi khí hậu.

Năm 2013 đã có 7,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, 7 tháng năm 2014 là 4,8 triệu lượt, chủ yếu tham quan các địa điểm như Vịnh Hạ Long, Phố cổ Hội An, Huế, hay khu vực Tây Nguyên, nơi chứa đựng những di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO công nhận. Cùng với việc được cộng đồng quốc tế biết đến nhiều hơn, thông qua các cơ chế đánh giá, giám sát của UNESCO cũng đã thúc đẩy việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Mời quý vị xem video chi tiết tại đây

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước