Vào tháng 5, chỉ ít ngày sau khi chính thức nhậm chức, Tổng thống Vladimir Putin đã ký một loạt sắc lệnh, xác định chiến lược trung hạn phát triển từng lĩnh vực.
Những sắc lệnh của Tổng thống Putin liên quan tới chính sách kinh tế dài hạn, sự phát triển lĩnh vực xã hội, y tế, khoa học và giáo dục, bảo đảm cho người dân có nhà ở với giá cả phải chăng và nâng cao chất lượng dịch vụ nhà ở công cộng, hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước, nâng cao quyền giám sát của công dân với các chính sách của nhà nước, cải thiện sức mạnh quốc phòng và đổi mới nền kinh tế.
Theo các nhà phân tích, những mục tiêu của Tổng thống Putin đòi hỏi nhu cầu ngân sách rất lớn từ nền kinh tế. Vấn đề là hiện nay tình hình kinh tế Nga tương đối ổn định, tạo điều kiện để Tổng thống có thể đặt ra các yêu cầu ngân sách. Nhưng với một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu tài nguyên dầu mỏ như nước Nga, tình hình ổn định này không bền vững. Trong bất kỳ trường hợp nào, giá dầu mỏ cũng không thể tăng mãi, nó đang ở gần mức giới hạn cuối cùng. Và nguy cơ chính đối với nền kinh tế Nga là nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm.
Sau gần 13 năm cầm quyền của ông Vladimir Putin, người dân Nga đang tỏ ra lo ngại về sự ổn định kinh tế, chính trị dài hạn của đất nước.
Một Giám đốc ngân hàng hàng đầu tại Moskow nói rằng Nga đang xuất khẩu 3 mặt hàng với số lượng lớn là tài nguyên thiên nhiên, vốn và con người. Yêu cầu cải cách nền kinh tế đang ngày càng bức thiết.
Theo ông Andrei Gorodetsky, Phó Giám đốc Viện kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Nga: “Chúng tôi lúc nào cũng muốn nước Nga có thể thay đổi chính sách kinh tế được sao chép từ các nước phương Tây những năm 1990. Thực tế thì nước Nga cũng đang thay đổi chính sách kinh tế từ năm 2000 trở lại đây.”
Ý thức được nhu cầu cải cách nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ, Tổng thống Putin đã đề ra những định hướng phát triển nền kinh tế dựa vào công nghệ cao. Nhưng đó là cả một chặng đường dài.
Nhưng sự bất an của người dân không chỉ liên quan tới các nguyên nhân kinh tế? Dưới con mắt của các nhà quan sát, cần phải nhìn nhận sự bất bình của một bộ phận người dân không mang động cơ chính trị, có nghĩa là họ không phản đối người đứng đầu đất nước - Tổng thống Vladimir Putin. Mà đơn giản, họ chỉ muốn cách thức hoạt động và tổ chức chính quyền hiện nay cần phải đổi mới.
Nói về phong trào phản đối của lực lượng đối lập hiện nay, Tổng thống Nga Putin cho rằng, đây là một tiến trình bình thường với bất cứ quốc gia nào. Ông phản đối luận điệu cho rằng, chính quyền hiện nay đã có hành động mạnh tay trấn áp lực lượng chống đối.
Tổng thống Nga Vladimir Putin: “Tôi không cho rằng, những hành động chống đối giảm đi hiện nay là do một số biện pháp trấn áp từ chính phủ. Phần lớn công dân của chúng ta không muốn một cuộc cách mạng. Họ đơn giản chỉ muốn thay đổi - thay đổi càng nhanh càng tốt. Đó là sự thay đổi vì một tình trạng tốt hơn. Không ai muốn một cuộc cách mạng nữa. Chúng ta đã có đủ cách mạng rồi.”
Làm thế nào để tạo ra một sự thay đổi nhưng quyền kiểm soát không bị xói mòn? Ông Putin phải làm rất nhiều việc để hàn gắn sự chia rẽ giữa những người ủng hộ và phản đối ông. Nước Nga của ông Putin không bao giờ trở lại như 12 năm trước, khi ông lần đầu tiên lên nắm quyền. Những thách thức mới đang đòi hỏi những chiêu thức lãnh đạo mới.