Công nghệ in 3D: "Chìa khoá" tăng năng suất

Thuỳ An-Thứ sáu, ngày 25/10/2024 12:02 GMT+7

Một mô hình được tạo ra bởi công nghệ in 3D

VTV.vn - Với việc có thể tạo ra những sản phẩm dùng được luôn, công nghệ in 3D đang được xem là một giải pháp quan trọng để năng suất trong sản xuất.

Công nghệ in 3D đã xuất hiện tại Việt Nam từ khoảng đầu những năm 2000, tuy nhiên ở thời điểm đó công nghệ này chủ yếu chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu do chi phí cao.

Theo thời gian, công nghệ in 3D đang dần trở thành một yếu tố quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất, mang lại những lợi ích thiết thực trong thiết kế sản phẩm, tạo mẫu nhanh và sản xuất linh kiện.

Nói về in 3D, ông Bùi Lê Hùng, Giám đốc Kỹ thuật - Công ty AES Việt Nam cho biết các công ty tại Việt Nam đang càng ngày các nhận thức rõ vai trò của công nghệ giúp đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm từ thiết kế cho đến khi sản xuất ra mẫu sản phẩm.

"Các công ty tại Việt Nam hiện tại không chỉ coi máy in 3D là một công nghệ mới mà xem nó như là một công cụ, xu thế giúp cải thiện sản xuất kinh doanh", ông Hùng cho biết.

Công nghệ in 3D: Chìa khoá tăng năng suất - Ảnh 1.

Công nghệ in 3D được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực từ ô tô, hàng không, điện, điện tử, may mặc...

Theo ông Hùng, cách thức sản xuất kinh doanh hiện tại đã khác nhiều so với trước kia. Nếu như trước kia thường sản xuất với số lượng lớn nhưng mẫu mã ít, song thời điểm hiện tại thì thường sản xuất với số lượng mẫu mã nhiều và sản phẩm trên mỗi mẫu mã thấp hơn. Tại đây, in 3D là công nghệ giúp đẩy nhanh năng suất.

"Nhiều người nghĩ rằng in 3D chỉ in ra mẫu, hình mẫu để tham khảo. Tuy nhiên với xu thế bây giờ, máy in 3D có thể tạo ra những sản phẩm dùng được luôn", đại diện công ty AES nhấn mạnh.

Ông Bùi Lê Hùng cho biết hiện tại một số ngành công nghiệp như ô tô, hàng không, điện, điện tử, may mặc... đang hưởng lợi lớn từ việc sử dụng máy in 3D trong quá trình phát triển sản phẩm.

Thậm chí trong ngành y tế, công nghệ in 3D cũng được sử dụng rất nhiều. Ông Rajiv Bajaj - Giám đốc điều hành của Stratasys khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á cho biết, công nghệ in 3D giúp tạo ra các mô hình giải phẫu phức tạp phục vụ quá trình giảng dạy y khoa. Đó là các mô hình các mô, phần trên cơ thể con người như mạch máu, mô hình mô phỏng các ca bệnh thực tế với mức độ chính xác cao.

In 3D cũng giúp chế tạo mô hình giải phẫu phục vụ công tác chẩn đoán, lên kế hoạch trước khi phẫu thuật. Qua đó giúp các bác sĩ tìm ra hướng phẫu thuật tốt hơn, đồng thời giúp người bệnh, người nhà bệnh nhân hiểu hơn về tình trạng bệnh. Ngoài ra, ứng dụng in 3D để sản xuất các thiết bị cấy ghép nhân tạo (nẹp vít, mảnh ghép, xương khuyết thiếu, khớp nhân tạo…).

"Các thiết bị cấy ghép nhân tạo được in bằng các vật liệu tương thích sinh học như titan, peek… thay thế các phần xương vùng sọ, mặt, xương chi và khớp. Các chi tiết này được thiết kế cá thể hóa theo từng bệnh nhân, đặc biệt trong các ca bệnh phức tạp mà không thể sử dụng thiết bị cấy ghép thông thường có sẵn", ông Rajiv Bajaj cho biết.

Công nghệ in 3D: Chìa khoá tăng năng suất - Ảnh 2.

Ông Rajiv Bajaj - Giám đốc điều hành của Stratasys khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á

Áp dụng thực tế tại Việt Nam, bác sĩ Phạm Trung Hiếu - phó giám đốc vận hành Trung tâm công nghệ 3D trong y học, Đại học Vin Uni - chia sẻ thị trường in 3D trong y tế vẫn còn mới, dù đã tồn tại được 10 năm tại Việt Nam.

Tuy công nghệ này mới được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực nha khoa, nhưng in 3D trong y học tại Việt Nam cũng đang được sử dụng để chế tạo mô hình giải phẫu, sản xuất thiết bị cấy ghép nhân tạo.

"Nhiều ca bệnh nhân bị ung thư xương hoặc do tai nạn nào đó dẫn đến khuyết hở xương, nhưng chúng ta không có giải pháp để in ra phần xương, phần mềm tái tạo cho bệnh nhân.

Trước đây, các phần này phải nhập từ nước ngoài về, thời gian chờ đợi lâu, cùng với đó là chi phí cao. Bác sĩ lâm sàng không tham gia được vào quá trình chế tạo, thiết kế nên đôi khi đưa về Việt Nam các phần xương, khớp này không vừa với bệnh nhân", bác sĩ Hiếu chia sẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước