1. Nạp thẻ điện thoại
Sáng sớm ngày cá tháng tư mà tự nhiên điện thoại báo "ting ting", tin nhắn ập đến: Bạn đã được nạp 200 nghìn từ số điện thoại xxx (số của đứa bạn thân) thì cũng đừng vội mừng, hãy kiểm tra xem đó là tin nhắn của tổng đài hay tin nhắn được gửi từ chính số điện thoại của đứa bạn láu cá kia nhé. Khả năng cao là đứa bạn kia đã cóp nguyên cái tin nhắn nạp tiền của tổng đài để cho bạn ăn quả lừa to đấy.
2. "Ra đây gặp tí nào"
Hãy cẩn nhận với kiểu lừa này, vì bất kể là bạn đang ở đâu thì vẫn có khả năng bị "dính chưởng". Kiểu thường gặp nhất là tự nhiên đứa bạn chí cốt gọi điện ngỏ ý mua cho cốc trà sữa. Có thể bạn cũng hơi nghi ngờ đôi chút nhưng nghe đâu trong cuộc điện thoại còn loáng thoáng có tiếng í ới của người bán kẻ mua, cho nên bạn tự nhủ "mình đa nghi quá chăng". Nửa tiếng sau, điện thoại reng lên, bạn vội vàng chạy ra ngoài, chả thấy bạn mình đâu bèn bốc điện thoại gọi, và từ đầu dây bên kia vang lên tràng cười như pháo vì độ ngây thơ của bạn.
3. Phá hoại điện thoại
Đây là một trò đùa rất hiểm, có thể khiến "nạn nhân" thót tim thậm chí có thể trở nên suy sụp. Thế này nhé, bỗng nhiên bạn của bạn hỏi mượn điện thoại, vốn hào phóng nghĩa hiệp, bạn cho mượn ngay. Ai ngờ chỉ một phút lơ là, nó nhanh tay chụp màn hình rồi thay nó làm hình nền. Đến khi bạn cầm lại, quen tay bấm bấm, bạn bỗng hốt hoảng vì nghĩ điện thoại của mình đã hỏng cảm ứng mất rồi.
4. Tỏ tình
Chẳng phải tự nhiên mà ngày 1-4 còn có một tên gọi khác là "ngày tỏ tình", bởi tỏ tình ngày này, nếu chẳng may bị từ chối thì cũng có cách chữa ngượng là "cá tháng tư thôi mà" cho đỡ tẽn tò. Cũng có trường hợp, khi cả hai bên đã "tình trong như đã mặt ngoài còn e" thì biết đâu đây chính là cơ hội ngàn vàng để thoát kiếp FA phải không ạ.
Tuy nhiên trò đùa nửa nạc nửa mở này cũng khá nguy hiểm, vì đôi khi nó sẽ đẩy chủ nhân của lời tỏ tình vào tính huống khó xử và làm rạn nứt cả một mối quan hệ khi một bên thì đùa còn một bên thì lại thật.