Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người phát hiện bị ung thư tuyến giáp, nhất là trong độ tuổi từ 30 - 40 tuổi. Theo thống kê nữ giới mắc ung thư tuyến giáp cao gấp 3 lần nam giới. Điều đáng nói, nhiều người cho biết họ ăn uống sinh hoạt rất khoa học, điều độ, nhưng không hiểu vì sao lại mắc ung thư tuyến giáp.
Mỗi ngày, Khoa y học hạt nhân, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám và điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân ung thư tuyến giáp. Ngày cao điểm lên tới hơn 300 bệnh nhân. Tất cả các bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp đều không có những dấu hiệu hay triệu chứng bất thường nào.
Các chuyên gia trong lĩnh vực nội tiết cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mắc ung các bệnh lý về tuyến giáp như: bệnh nhân có chiếu xạ từ nhỏ, sống trong vùng nhiễm xạ và bệnh nhân dùng thiếu hoặc thừa i-ốt. Đặc biệt, những bệnh nhân có bệnh lý tuyến giáp mãn tính có nguy cơ bị ung thư tuyến giáp.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, hiện ung thư tuyến giáp đã nằm trong số 5 loại ung thư có số người mắc cao nhất và 90% bệnh nhân ung thư tuyến giáp có thể sống trên 5 năm.
Bà Mùi (Diễn Châu, Nghệ An) phát hiện bị ung thư tuyến giáp từ năm 2016. Theo phác đồ điều trị, bà được phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp và hạch. Sau đó, bà được chuyển ra Khoa Y học hạt nhân, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để uống i-ốt 131.
Các bác sĩ cho biết, những trường hợp phát hiện muộn đã có di căn xương, phổi hoặc ở những thể nặng sẽ phải uống i-ốt 131 nhiều lần.
Hiện Khoa Y học hạt nhân đang quản lý trên 30.000 hồ sơ bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp từ năm 1999 đến nay. Trên 90% bệnh nhân trong số này đã được chữa khỏi và chỉ có một tỷ lệ nhỏ là phải điều trị bằng i-ốt 131 nhiều lần.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!