10 dấu hiệu khiến bạn nghĩ đến ung thư buồng trứng

Tuấn Bảo, icon
09:00 ngày 13/12/2020

VTV.vn - Ung thư buồng trứng là tình trạng hình thành các khối u ác tính ở một hoặc cả hai buồng trứng do sự phát triển bất thường của các tế bào bên trong.

Hình minh họa.

Theo các bác sĩ Bệnh viện K, ung thư buồng trứng nếu không điều trị kịp thời, tế bào ung thư sẽ xâm lấn các mô và cơ quan xung quanh, làm mất chức năng sản xuất nội tiết tố, sản xuất tế bào trứng, mang thai của buồng trứng. Ở giai đoạn nặng, tế bào ung thư di căn qua đường máu hoặc đường bạch huyết tới nhiều cơ quan khác của cơ thể và hình thành khối u mới.

Các giai đoạn phát triển của ung thư buồng trứng

Giai đoạn 1: Khối u vẫn ở bên trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng, chưa lây lan sang các cơ quan khác.

Giai đoạn 2: Khối u vẫn còn trong buồng trứng và ống dẫn trứng nhưng đã bắt đầu lan rộng đến các cơ quan lân cận trong xương chậu.

Giai đoạn 3: Khối u lan rộng hơn nữa, lớn hơn 2cm, thậm chí có thể đã di căn đến các cơ quan xa hơn như gan, lá lách.

Giai đoạn 4: Giai đoạn cuối, ung thư đã di căn tới nhiều cơ quan khác như lá lách, gan, phổi, não… cũng như các hạch bạch huyết ở háng. Điều trị bệnh ở giai đoạn này rất khó khăn và phức tạp.

Dấu hiệu điển hình cảnh báo sớm ung thư buồng trứng

- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón.

- Chán ăn trong thời gian dài, cảm thấy no dù chỉ ăn rất ít.

- Đầy hơi liên tục, kéo dài đến vài tuần kèm theo sưng bụng.

- Đau khi đi tiểu hoặc thay đổi thói quen đi tiểu.

- Cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi.

- Sụt cân đột ngột khi không hề thay đổi chế độ ăn uống hay tập thể dục để giảm cân.

- Chảy máu âm đạo bất thường kèm đau đớn.

- Đau khi quan hệ vợ chồng.

- Đau vùng chậu kèm đau lưng không rõ nguyên nhân.

- Chảy máu nhỏ giọt giữa các kỳ kinh nguyệt.

Việc điều trị ung thư buồng trứng tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm diễn biến bệnh và sức khỏe chung của bệnh nhân. Bệnh nhân thường được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau được kết hợp trong điều trị ung thư buồng trứng như phẫu thuật cắt bỏ, xạ trị, hóa trị....

Phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp được lựa chọn số một để điều trị cho bệnh nhân được chẩn đoán ung thư buồng trứng. Thông thường, bác sĩ phẫu thuật còn cắt bỏ hết mạc nối và hạch trong ổ bụng và những phần liên quan đến hướng đi có thể nhất của các tế bào ung thư buồng trứng.

Nếu các tế bào ung thư đã lan, bác sĩ thường cố gắng cắt bỏ hết các tế bào ung thư còn sót lại trong một quá trình gọi là phẫu thuật cắt bỏ tối đa khối u.

Phẫu thuật cắt bỏ hết tất cả các khối u giúp làm giảm lượng tế bào ung thư phải điều trị sau này bằng hóa chất hoặc tia phóng xạ. Phẫu thuật gây ra cơn đau ngắn và tăng nhạy cảm ở vùng phẫu thuật. Vài ngày sau đó, bệnh nhân đi tiểu rất khó khăn, nhu động chưa bình thường trở lại.

Hóa trị liệu

Hóa trị liệu là dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Sau phẫu thuật, có thể các tế bào ung thư buồng trứng vẫn còn sót lại hoặc lay lan mà các bác sĩ chưa thể cắt bỏ hết được, hóa trị liệu sẽ giúp tiêu diệt phần còn sót lại đó.

Hầu hết các loại thuốc điều trị ung thư được tiêm vào tĩnh mạch. Một số khác tồn tại dưới dạng viên nén để uống. Hóa trị liệu có thể thực hiện bằng cách đưa thuốc trực tiếp vào ổ bụng qua một ống thông.

Có thể tiến hành phẫu thuật xét nghiệm lần hai để quan sát ổ bụng trực tiếp khi phương pháp hóa trị liệu kết thúc. Có thể kiểm tra tác dụng của thuốc lên cơ thể bệnh nhân có xảy ra hay không bằng cách kiểm tra dịch và mẫu mô của bệnh nhân đó.

Hóa trị tác động đến cả tế bào gây bệnh lẫn các tế bào bình thường. Các tác dụng phụ phụ thuộc nhiều vào loại thuốc và liều lượng thuốc được sử dụng.

Khi điều trị bằng phương pháp hóa trị có thể gây nên cảm giác buồn nôn và nôn, chán ăn, tiêu chảy, mệt mỏi, tê và cảm giác kim châm ở bàn tay bàn chân, đau đầu, rụng tóc, sạm da và móng.

Một số thuốc dùng trong ung thư buồng trứng có thể làm bệnh nhân không nghe rõ và gây tổn thương đến thận. Để bảo vệ thận trong khi dùng thuốc, bệnh nhân cần truyền nhiều dịch.

Xạ trị

Xạ trị là dùng tia phóng xạ để trị liệu, đây là phương pháp sử dụng tia có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Tia xạ trị liệu chỉ ảnh hưởng tới tế bào ở vùng chiếu xạ. Tia phóng xạ có thể xuất phát từ một máy (phóng xạ ngoài). Một số bệnh nhân được điều trị ngay trong màng bụng. Bằng cách đưa dung dịch phóng xạ trực tiếp vào ổ bụng qua một ống thông.

Xạ trị cũng sẽ động đến các tế bào bình thường và tế bào gây bệnh. Các tác dụng phụ xảy ra do xạ trị phụ thuộc vào liều lượng sử dụng và phần cơ thể bị chiếu xạ.

Tác dụng phụ thường gặp của phương pháp này là cơ thể mệt mỏi, không muốn ăn, buồn nôn, nôn, đái khó, tiêu chảy và biến đổi da vùng bụng. Xạ trị trong phúc mạc gây ra hiện tượng đau bụng và tắc ruột.

Ung thư buồng trứng rất khó nhận biết ở giai đoạn đầu bởi biểu hiện của bệnh rất mơ hồ, dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác. Hầu hết các trường hợp chỉ được phát hiện khi ung thư đã chuyển sang giai đoạn nặng, có triệu chứng rõ ràng nhưng rất khó để chữa trị. Do đó, chị em nên theo dõi sát sao sức khỏe qua thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư sớm để phòng bệnh tốt nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục