4 bước nên làm, 4 điều nên tránh khi bị chấn thương phần mềm

Phương Thúy, Lan Anh (Ban Thời sự), icon
06:00 ngày 10/10/2017

VTV.vn - Khi không may bị chấn thương phần mềm, nếu bạn bình tĩnh xử lý chấn thương ban đầu đúng cách thì các triệu chứng sẽ giảm tức thì, tổn thương nhanh chóng hồi phục.

Trong lúc lao động sản xuất, nhiều khi do bất cẩn hoặc do những yếu tố bất ngờ, bạn có thể gặp phải chấn thương phần mềm như: bong gân, đau cơ, bầm tím trên các bộ phận của cơ thể. Khi gặp chấn thương kiểu này, bạn phải biết xử trí đúng để tổn thương không trở nên trầm trọng.

Trong thời gian 48-72 giờ đầu sau khi bị chấn thương, bạn phải thực hiện được 4 bước nên làm và 4 điều nên tránh dưới đây trước khi đến bệnh viện:

4 bước nên làm:

- Phải nghỉ ngơi ngay sau chấn thương càng sớm càng tốt để tránh chảy máu, giảm phù nề, hạn chế vận động, di chuyển. Tốt nhất là bất động chi bằng bột hoặc nẹp.

- Có thể chườm đá giúp giảm đau, giảm co thắt, giảm sưng nề và giảm chảy máu. Chườm đá mỗi lần 20-30 phút, cách nhau 2-3 giờ. Bạn nên bọc đá trong khăn ẩm, chườm trực tiếp lên vùng bị tổn thương.

- Băng ép giúp hạn chế chảy máu và giảm phù nề, vì vậy, tốt nhất bạn hãy dùng băng thun băng tại vị trí tổn thương, băng rộng lên phía trên và xuống phía dưới vùng thương tổn.

- Bạn lưu ý kê cao chi (cao hơn mức tim) nhằm tạo thuận lợi cho máu trở về tim dễ dàng, giúp giảm phù nề, giảm chảy máu. Với chi dưới, kê cao chân ở tư thế nằm; với chi trên, treo tay bằng đai treo tay.

4 bước nên làm, 4 điều nên tránh khi bị chấn thương phần mềm - Ảnh 1.

Nên băng thun băng tại vị trí tổn thương, băng rộng lên phía trên và xuống phía dưới vùng thương tổn.

4 điều nên tránh:

- Tuyệt đối không được chườm nóng, bởi chườm nóng sẽ làm tăng chảy máu. Tránh bất kỳ một tác động nhiệt nóng nào vào vùng tổn thương như chườm khăn nóng, rửa vòi nước ấm…

- Nhiều người thường quan niệm nếu bị sưng thì phải đắp cồn, đắp rượu. Tuy nhiên, bạn nên bỏ thói quen này bởi đắp cồn hoặc rượu cũng tăng chảy máu, tăng phù nề và làm cho vùng tổn thương lâu hồi phục.

- Trong 72 giờ đầu, bạn không nên vận động, ngừng mọi hoạt động lao động vì vận động sẽ làm tổn thương tiến triển nặng hơn.

- Xoa bóp sẽ làm tăng chảy máu, tăng phù nề và làm tổn thương nặng lên nên bạn tuyệt đối tránh xoa bóp ít nhất trong 72 giờ đầu sau chấn thương.

Sau khi chấn thương phần mềm được xử lý ban đầu bằng "4 bước nên làm" và "4 điều nên tránh", bạn nên đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt để được bác sĩ chẩn đoán, nhận định mức độ tổn thương phần mềm, từ đó đưa ra phương pháp điều trị đúng đắn, kịp thời thì vùng chấn thương mới nhanh hồi phục.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục