Ấn Độ tìm cách bán tháo 60.000 máy thở giá rẻ

Nhật Anh, icon
08:44 ngày 13/07/2020

VTV.vn - Máy thở do Ấn Độ sản xuất đang trở thành tâm điểm tranh cãi, sau khi 4 bệnh viện lớn của nước này từ chối sử dụng trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Hình: The Economic Times

Khi các bệnh viện cảnh báo chỉ có 47.000 máy thở trong nước và việc nhập khẩu rất tốn kém và khó khăn do hạn chế đi lại toàn cầu, Chính phủ Ấn Độ đã ký hợp đồng sản xuất 60.000 máy thở trong vòng 2 tháng với 16 nhà sản xuất nội địa. Để đẩy nhanh tốc độ sản xuất và cắt giảm chi phí, các máy thở đã bỏ qua các tính năng nâng cao.

Tuy nhiên, sau khi nhận 175 máy thở, một bệnh viện điều trị COVID-19 lớn nhất ở Delhi, tuần trước cho biết: Các máy thở này không có BiPAP - một biện pháp can thiệp không xâm lấn giúp các bác sĩ không cần đặt nội khí quản, tránh những tổn thương phổi không cần thiết mà vẫn cung cấp oxy cho bệnh nhân.

Ngoài ra, một số máy thở sản xuất trong nước của Ấn Độ cũng không có núm điều khiển để thay đổi mức oxy và áp lực. Điều này có thể gây nguy hại cho bệnh nhân. "Một máy thở như vậy là hoàn toàn không thể chấp nhận được" - bác sĩ Ray nói thêm.

Một số bác sĩ cho rằng máy thở này hoàn toàn phù hợp để chăm sóc bệnh nhân COVID-19 cần đặt nội khí quản. Tuy nhiên, việc lắp đặt không đúng kỹ thuật của những người thao tác máy có thể dẫn đến sự lo ngại của các bác sĩ.

Mặt khác, với việc sản xuất 60.000 máy thở, Ấn Độ từ chỗ thiếu máy thở trở thành dư thừa máy. Các nhà sản xuất Ấn Độ đang hi vọng thị trường nước ngoài đang thiếu hụt máy thở sẽ mua giúp họ.

Với trên 767.000 ca nhiễm COVID-19 và hơn 21.000 người chết vì căn bệnh này, Ấn Độ nay là quốc gia bị ảnh hưởng nặng thứ ba trên thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục