Ăn ít rau, lười vận động… người Việt cảnh giác với các bệnh này

Thu Thủy, icon
09:08 ngày 08/09/2016

VTV.vn - 57,2% người Việt ăn thiếu rau, 28,1% dân số lười hoạt động thể lực, hay ăn nhiều muối… sẽ dẫn tới nguy cơ gia tăng các bệnh béo phì, tiểu đường, huyết áp.

Ảnh minh họa. (Nguồn: fau.edu)

Ngày 8/9, Bộ Y tế vừa công bố kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam năm 2015. Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ lo ngại về những con số làm gia tăng các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: đây là cuộc điều tra lớn nhất từ trước tới nay đối với những bệnh không lây nhiễm.

Ông Lokky Wai, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam chia sẻ những bệnh không lây nhiễm chính tại Việt Nam thường gặp hiện nay: Tim mạch, ung thư, tiểu đường và phổi tắc nghẽn mãn tính.

"Việc hút thuốc lá cao, lạm dụng rượu bia, ít hoạt động thể lực, dinh dưỡng không hợp lý như việc ăn thức ăn nhiều muối, hoặc nhiều đường quá, đã góp phần gây ra những bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam" - ông Lokky Wai cho biết.

Ăn ít rau, lười vận động… người Việt cảnh giác với các bệnh này - Ảnh 1.

Ông Lokky Wai, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam.

Theo đó, nghiên cứu được thực hiện gần 4.000 người trong độ tuổi từ 18 – 69 năm 2015 cho thấy số lượng sử dụng rượu bia ở nam giới trên 77%, nữ giới là 11%, tỷ lệ chung là 43,8%.

Theo công bố, hơn 57% người Việt Nam ăn thiếu rau, trái cây so với khuyến cáo 400g/ngày của Tổ chức y tế Thế giới. Đặc biệt, trung bình một người Việt Nam tiêu thụ 9,4g muối/ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của WHO. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có liệu quốc gia về tiêu thụ muối quần thể.

Để giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Người dân Việt Nam cần phải rèn luyện thể lực, điều chỉnh khẩu phần ăn hàng ngày hợp lý, tăng cường ăn rau, bởi vì hiện nay có gần 50% người dân thiếu khẩu phần rau so với chuẩn của WHO, và cần giảm lượng muối tiêu thụ hàng ngày".

Về hoạt động thể lực, có đến gần 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực so với khuyến cáo của WHO (có hoạt động thể lực cường độ trung bình ít nhất 150 phút 1 tuần hoặc tương đương). Tỷ lệ thiếu hoạt động thể lực ở nam giới 20,2% thấp hơn so với nữ 35,7%. Tỷ lệ thiếu hoạt động thể lực năm 2015 có giảm so với năm 2010, nhưng chỉ trong nhóm nam giới.

Ăn ít rau, lười vận động… người Việt cảnh giác với các bệnh này - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội thảo.

Ngoài ra, kết quả điều tra cũng cho thấy, sự gia tăng của tình trạng thừa cân, béo phì ở cả hai giới là trên 15,6%. Trong đó, béo phì ở thành thị là 21,3%, vùng nông thôn là 12,6%. Tỷ lệ thừa cân béo phì có xu hướng tăng theo thời gian.

Sự gia tăng các bệnh không lây nhiễm dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của chi phí khám chữa chữa bệnh và quá tải bệnh viện. Chi phí điều trị bệnh không lây nhiễm trung bình cao gấp 40-50 lần so với các bệnh lây nhiễm do đòi hỏi kỹ thuật cao, thuốc điều trị đắt tiền, thời gian điều trị lâu và dễ bị biến chứng. Theo ước tính của WHO, tổn thất ước tính về kinh tế đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình là trên 7000 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2011 – 2025.

"Việc gia tăng các bệnh không lây nhiễm là một vấn đề toàn cầu chứ không riêng tại Việt Nam. Tuy nhiên chúng tôi cũng nhấn mạnh rằng, nhiều nước đã thực hiện các biện pháp rất mạnh mẽ để phòng ngừa và kiểm soát rất hiệu quả bệnh không lây nhiễm. Tôi mong muốn Việt Nam sẽ có các biện pháp kịp thời, hiệu quả như một số nước đã thực hiện thành công" - Ông Lokky Wai – Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục