Ăn sữa chua đúng cách vào mùa lạnh

Tiến Tú, icon
11:35 ngày 13/12/2023

VTV.vn - Mùa Đông, nhiều gia đình ngần ngại cho trẻ và người lớn tuổi ăn sữa chua vì sợ lạnh, cụ thể hơn là sợ viêm họng, lạnh bụng. Vậy ăn sữa chua như thế nào cho đúng cách?

Trông cháu ngoại hơn 3 năm nay cũng là từng ấy thời gian bà Vũ Thị Loan, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cùng cháu có thói quen ăn sữa chua mỗi ngày. Theo bà, việc ăn sữa chua rất tốt cho đường tiêu hoá, sức khoẻ cũng tốt hơn. Dù vậy, vào mùa Đông, hai bà cháu cũng có phần hạn chế ăn sữa chua vì e ngại, sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Thường khi ăn sữa chua vào mùa lạnh, bà Loan sẽ ngâm hộp sữa chua vào nước ấm nóng trong khoảng 15 phút rồi hai bà cháu mới ăn.

Ăn sữa chua đúng cách vào mùa lạnh - Ảnh 1.

Người già, trẻ nhỏ ngại ăn sữa chua vào mùa lạnh

Có con ở độ tuổi mầm non, chị Nguyễn Thu Hằng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cũng chia sẻ, việc ngại ăn đồ lạnh vào mùa Đông là điều khó tránh. Nhưng với các nhóm thực phẩm tốt cho đường ruột như sữa chua thì không nên bỏ qua trong khẩu phần ăn của trẻ. Dù vậy, chị cũng băn khoăn về cách ăn sữa chua vào mùa lạnh một cách hợp lý.

Đây có lẽ là thực tế tại không ít gia đình. Thời tiết lạnh, cả nhà có xu hướng hạn chế ăn sữa chua vì sợ lạnh. Thế nhưng, việc bỏ qua nhóm thực phẩm này trong chế độ dinh dưỡng có nên hay không, khi sữa chua được đánh giá là cần thiết trong khẩu phần hàng ngày để không chỉ cung cấp thêm dưỡng chất thiết yếu mà còn giúp tăng cường sức đề kháng, đặc biệt đối với trẻ em và người già

Ăn sữa chua đúng cách vào mùa lạnh - Ảnh 2.

Vẫn nên duy trì thói quen ăn sữa chua vào mùa lạnh.

Nhiều chuyên gia cũng chia sẻ, nhiệt độ và độ ẩm khi đổi mùa là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh sinh sôi mạnh mẽ và tăng khả năng lây lan, trong đó trẻ em và người lớn tuổi là 2 đối tượng dễ bị nhiều loại khác như virus, nấm...  tấn công nhất. Để tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, ngoài các biện pháp như giữ ấm, vận động, tiêm ngừa…cần tăng cường sức đề kháng trong mùa lạnh bằng chế độ dinh dưỡng.

Vì 70% hệ miễn dịch biểu mô nằm ở đường ruột nên việc tăng cường sức khoẻ đường ruột đóng vai trò quan trọng trong việc phòng bệnh ở người lớn và trẻ nhỏ. Trong khi đó, sữa chua chứa nhiều vitamin, dưỡng chất quan trọng, được lên men từ tự nhiên giúp tăng cường khả năng miễn dịch ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm, phòng chống bệnh tật. Ngoài ra, sữa chua còn có những khoáng chất vi lượng như magie, selen, kẽm, và các vitamin, giúp ngon miệng, tăng cường hấp thu dưỡng chất, hỗ trợ sức khỏe hệ tiêu hóa, miễn dịch và sức khỏe tổng thể.

Về nỗi lo ăn sữa chua có thể bị lạnh bụng, PGS TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, lượng sữa chua ăn vào từng thìa là quá nhỏ so với trong lượng cơ thể. Vậy sẽ không ảnh hưởng đến cân bằng nhiệt cơ thể. Khoa học đã chứng minh, sữa chua giúp ngon miệng, phòng ngừa rối loạn tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng phòng chống bệnh vặt. Vậy chúng hoàn toàn không gây lạnh bụng.

Thứ nhất, tôn trọng khẩu vị của mọi người. Nếu thích có thể dùng sữa chua lạnh, vì như đã nói bên trên, độ lạnh không ảnh hưởng cân bằng nhiệt và các biểu hiện khó chịu.

Thứ hai, nếu ngại ăn sữa chua lạnh, nên để ra ngoài nhiệt độ phòng khoảng 15 phút, ăn từng thìa nhỏ, chậm, không nên ngâm trong nước ấm để giảm độ lạnh, vì khả năng nhiễm bẩn từ nước ngâm.

Thứ ba, tuyệt đối không đun nóng sữa chua bằng mọi hình thức (đun trên bếp/microwave...) vì khả năng cao sẽ làm chết hết lợi khuẩn và mất đi dưỡng chất hương vị sữa chua.

Và cuối cùng, phối kết hợp sữa chua với các thực phẩm khác tùy khẩu vị để gia tăng đề kháng. Có thể ăn cùng quả chín, gừng, mật ong để ấm bụng, ấm cổ họng làm dịu cảm giác đau buốt. Ngoài ra, nước mật ong còn có tác dụng trị ho do tác động của chứng đau họng gây ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục